Truyền thông Israel chỉ cung cấp thông tin hạn chế về tác động từ cuộc tấn công bằng 200 tên lửa đạn đạo của Iran vào ngày 1/10. Song truyền thông quốc tế đã hé lộ mức độ thiệt hại, cũng như năng lực của dàn tên lửa đạn đạo Iran.
Theo tờ Times of Israel, trong cuộc tấn công vào Israel hồi tháng 4, Iran sử dụng kết hợp 36 tên lửa hành trình, 185 máy bay không người lái (UAV), và khoảng 120 tên lửa đạn đạo. Nhưng trong cuộc tấn công vào tối ngày 1/10, Iran chỉ sử dụng tên lửa đạn đạo với con số gần 200 tên lửa. Đáng nói, khoảng 20 tên lửa trong số này đã bị đánh chặn, hoặc bị vô hiệu hóa trước khi xâm nhập vào không phận Israel. Còn khoảng 180 tên lửa Iran đã tiến vào trong lãnh thổ Israel.
Đánh giá của truyền thông quốc tế nhận định, tên lửa mà Iran sử dụng trong cuộc tấn công mới nhất vào Israel có thể là Fattah, hoặc Khaibar Shikan.
Trong đó, tên lửa Fattah được Iran công bố vào tháng 6/2023. Nó được cho có thể đạt tốc độ Mach 5, và có tầm bắn lên tới 1.400km. Phía Iran từng cho biết, Fattah có thể vượt qua các hệ thống phòng thủ, tấn công chúng, và dọn đường cho chuỗi tên lửa đạn đạo tiếp theo làm nhiệm vụ.
Còn tên lửa Khaibar Shikan có tốc độ di chuyển từ Mach 2 - 3. Nó được trang bị hệ thống cánh để cải thiện độ chính xác hoạt động, cùng tầm bắn là 1.400km.
Khi số lượng lớn tên lửa được phóng đi với tốc độ cao, các hệ thống phát hiện và đánh chặn có thể gặp khó khăn trong việc xử lý cùng lúc. Do đó, một trong những chiến lược của Iran là phóng số lượng lớn tên lửa cùng lúc vào một mục tiêu cụ thể của đối phương.
Theo báo chí nước ngoài, Căn cứ không quân Nevatim ở phía nam Israel là một trong những mục tiêu chính trong đòn tấn công từ Iran. Theo đó, 32 tên lửa Iran đã bay tới các khu vực trống, các công trình, và cánh đồng xung quanh căn cứ. Tuy nhiên, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) nhấn mạnh không có chiến đấu cơ nào của nước này bị hư hại trong cuộc tấn công của Iran.
Dựa trên các cảnh quay video được đăng trên mạng xã hội, các chuyên gia quốc tế cũng đã ghi nhận những cuộc tấn công khác xảy ra gần trụ sở Mossad ở khu vực Glilot, và các công trình bên trong Căn cứ không quân Tel Nof nằm gần thành phố Rehovot.
Sau 6 tháng kể từ cuộc tấn công hồi tháng 4, Iran đã điều chỉnh và cải thiện chiến lược tấn công. Theo đó, Iran từ bỏ các cuộc tấn công bằng UAV để chuyển sang phóng tên lửa đạn đạo, và chỉ mất khoảng 12 phút để bay đến lãnh thổ Israel.
Dù quân đội Iran đã nhắm vào các căn cứ của IDF, nhưng vẫn không vô hiệu hóa được các lực lượng của Israel. Tuy nhiên, một số người cho rằng trong lần tới, Iran có thể sẽ cố gắng tấn công các cơ sở năng lượng của Israel, mà nhiều cơ sở trong số này nằm gần các trung tâm dân cư.
Theo báo chí nước ngoài, dường như các hệ thống phòng thủ của Israel đã dễ bị tổn thương hơn trong cuộc tấn công của Iran vào ngày 1/10. Theo đó, khoảng 80% tên lửa Iran được báo cáo đã bị đánh chặn. Tỷ lệ này thấp hơn so với hồi tháng 4, khi IDF tuyên bố tỷ lệ đánh chặn là 99%.
Tuy nhiên, tỷ lệ đánh chặn thấp hơn có thể là do nhiều tên lửa Iran đã bay tới các vùng đất trống, nơi chúng có thể gây ra ít, hoặc không gây ra thiệt hại cho Israel. Một yếu tố khác là Israel quyết định không cố gắng đánh chặn tất cả 180 tên lửa Iran đang bay tới do kho dự trữ tên lửa đánh chặn Arrow 2 và Arrow 3 chỉ có hạn. Nói cách khác, IDF có thể đã chọn giữ lại các tên lửa đánh chặn để đối phó với các cuộc tấn công tiềm tàng trong tương lai của Iran nhằm vào các trung tâm dân cư.
Thêm một yếu tố được tính tới là mức chi phí cho vũ khí. Cụ thể, chi phí sửa chữa nhà chứa máy bay, hoặc đường băng bị hư hại tại các căn cứ không quân là thấp hơn nhiều so với chi phí sử dụng tên lửa đánh chặn Arrow.