Tuy mới có mặt ở Việt Nam nhưng Ironman, giải thể thao 3 môn phối hợp được mệnh danh khắc nghiệt nhất hành tinh lại thu hút sự tham gia của các vận động viên mỗi năm một nhiều và trở thành sự kiện được mong đợi hàng năm.
Nhớ lại thời điểm cách đây 3 năm, khi môn thể thao sức bền cơ bản nhất là chạy bộ đường dài còn khá kén người tập luyện ở Việt Nam thì một cuộc thi ba môn phối hợp (triathlon) bao gồm 1.9km bơi biển, 90km đạp xe và 21km chạy bộ liên tục chỉ có thể gọi là điên rồ. Vậy mà ông Lê Hồng Minh (Chủ Tịch Công Ty Cổ Phần VNG) vẫn rất quyết tâm đưa Ironman 70.3 về Việt Nam với kỳ vọng phát triển bộ môn thể thao ba môn phối hợp và cộng đồng thể thao trong nước.
Ông Lê Hồng Minh, Chủ Tịch Công Ty CP VNG, người đã hiện thực hóa giấc mơ Ironman về Việt Nam |
Sức hút đến từ thách thức
Năm đầu tiên, cuộc thi có hơn 700 VĐV tham gia ở thể thức thi cá nhân, trong đó vỏn vẹn 20 người Việt Nam, chiếm chưa đến 5% tổng số VĐV. Và vì tính chất khắt nghiệt của cuộc thi nên có đến một nửa số VĐV Việt Nam còn chịu cảnh DNF (Did Not Finish - không hoàn thành cuộc đua). Ironman khi ấy dường như là một sân chơi quá sức với người Việt vốn thể trạng tương đối nhỏ bé và thể lực yếu.
Thế nhưng, ba năm trôi qua, sự khắc nghiệt của Ironman chẳng những không khiến sân chơi này vắng khách mà còn thu hút ngày càng đông VĐV người Việt tham gia. Từ con số 20 VĐV năm 2015, mùa thi năm 2017 đón tới 182 VĐV Việt Nam, tăng gấp 9 lần. Và dù giải đấu của năm 2018 còn gần 1 tháng nữa mới khởi tranh, con số VĐV Việt Nam đã đăng ký ở thời điểm hiện tại là xấp xỉ 300 người, nhiều gấp 15 lần so với năm đầu.
Phan Thị Thu Trang - thành viên nữ của VNG Triathlon Club hiện đang làm việc tại Singapore cũng về Việt Nam để dự thi Ironman 70.3 lần đầu tiên. |
Và đặc biệt, cuộc đua đầy thách thức này cũng không hề vắng bóng phái đẹp. Khi cuộc thi được tổ chức lần đầu tiên, chỉ có 4 VĐV nữ Việt Nam đăng ký và thi đấu. Đến năm 2018, con số này đã tăng lên 26 người. Đáng chú ý, bên cạnh những cô gái đầu đôi mươi hăng hái thể hiện sức trẻ của mình, còn có cả những nữ VĐV U60 với sự dẻo dai bền bỉ đáng kinh ngạc.
4 năm Ironman Việt Nam - Tăng cả lượng lẫn chất
Không chỉ tăng mạnh về số lượng mà chất lượng của các VĐV người Việt cũng cải thiện ấn tượng. Vào năm 2015, thành tích 7 giờ 05 phút là đã đủ để đứng lên bục vô địch hạng mục VĐV Việt Nam. Nhưng đến năm 2017, thành tích này chỉ đủ lọt top 100 VĐV Việt Nam có thành tích tốt nhất mà thôi.
Thành tích tốt của VĐV Việt Nam một phần không nhỏ bắt nguồn từ sự phát triển mạnh mẽ của phong trào và sự lớn mạnh của cộng đồng ba môn phối hợp ở Việt Nam trong hơn 3 năm qua.
Các câu lạc bộ ba môn phối hợp được thành lập trên cả nước, hướng tới mục đích chuyên nghiệp hoá dần việc tập luyện và thi đấu bộ môn này, đồng thời thu hút sự tham gia của hàng nghìn người. Một số doanh nghiệp, như công ty công nghệ VNG, doanh nghiệp đầu tiênđưa Ironman về Việt Nam, còn tâm huyết đến mức thành lập hẳn một câu lạc bộ triathlon nội bộ dành cho nhân viên.
Mô hình “training camp” (trại huấn luyện) cũng được các câu lạc bộ tổ chức liên tục trong 2 năm qua ở cả ba miền.
Trại huấn luyện ba môn phối hợp do một câu lạc bộ ba môn phối hợp tổ chức vào đầu năm nay tại Vũng Tàu
Hơn 3 năm xuất hiện ở Việt Nam, cho đến thời điểm này Ironman đã thổi một luồng gió mới mẻ vào phong trào thể thao nghiệp dư ở Việt Nam, gieo mầm cho một phong cách sống lành mạnh, năng động và một ý chí mạnh mẽ, sẵn sàng chinh phục mọi giới hạn của bản thân.
Ironman, cuộc thi ba môn phối hợp: chạy - bơi - đạp xe (triathlon) với tuổi đời 40 năm trong làng thể thao thế giới là môn thể thao sức bền được xếp vào hàng thách thức nhất đối với cả dân thể thao chuyên nghiệp. Tại Việt Nam, cuộc thi Ironman lần thứ 4 sẽ được tổ chức vào ngày 13/5/2018 tại thành phố biển Đà Nẵng. |
Lệ Thanh