Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Iraq, các vụ không kích do quân đội Mỹ thực hiện tối 2/2 nhằm vào nhiều khu vực có các nhóm du kích vũ trang nằm trong lãnh thổ nước này đã khiến ít nhất 16 người thiệt mạng. “Chúng tôi sẽ triệu Đại biện Đại sứ quán Mỹ tại Iraq David Burger tới để trao công hàm phản đối sự gây hấn của Mỹ nhằm vào các địa điểm dân sự và quân sự Iraq”, một đoạn trong thông cáo viết.
Trong khi đó, Văn phòng Tổng thống Iraq lên án cuộc không kích do Mỹ thực hiện là “sự vi phạm trắng trợn chủ quyền của nước này”.
Reuters dẫn tuyên bố của Bộ chỉ huy trung tâm Mỹ (CENTCOM) viết rằng, các vụ không kích bắt đầu lúc 16h giờ miền đông Mỹ ngày 2/2 (4h giờ Việt Nam ngày 3/2), nhắm vào các trung tâm chỉ huy, tình báo và điều hành hoạt động, các địa điểm cất giữ tên lửa, rocket và máy bay không người lái (UAV) cũng như các cơ sở cung ứng hậu cần và đạn dược của lực lượng tinh nhuệ Quds thuộc IRGC và các nhóm vũ trang liên kết ở Iraq và Syria.
Truyền thông phương Tây nhận định, động thái trên chỉ là bước đầu tiên của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm đáp trả vụ căn cứ quân sự ở Jordan bị tấn công khiến 3 binh sĩ Mỹ thiệt mạng và gần 40 quân nhân khác bị thương.
Hamas nêu điều kiện đàm phán với Israel
Hãng tin Al Jazeera cho hay, Phong trào Hamas gần đây đã đòi chính quyền Tel Aviv phải trả tự do cho quan chức Marwan Barghouti, một trong các nhà lãnh đạo quân sự của Phong trào Fatah đang bị Israel giam giữ, như “một phần cho bất kỳ thỏa thuận nào để chấm dứt xung đột ở Gaza”.
Theo tạp chí US News, Marwan Barghouti đã bị chính quyền Tel Aviv xét xử và giam giữ từ đầu thập niên 2000 vì vai trò của ông này trong một số cuộc tấn công nhằm vào các nhà hàng, khách sạn và dân thường Israel ở khu Bờ Tây.
Cũng theo tạp chí trên, chính quyền Tel Aviv đang rơi vào thế bất lợi khi có hơn 100 công dân Israel bị Hamas giam giữ. Điều này có thể giúp Hamas “ra điều kiện về thỏa thuận buộc Tel Aviv thả tự do cho Barghouti, cũng như củng cố vị trí của phong trào này trong lòng người dân Palestine”.