Trong bài phát biểu trên truyền hình quốc gia, nhà lãnh đạo Iran cảnh báo lính Mỹ "không an toàn" trong khu vực hôm nay còn binh sĩ châu Âu "có thể gặp nguy hiểm vào ngày mai".

{keywords}
Tổng thống Iran Hassan Rouhani. (Ảnh: Bloomberg)

Theo Reuters, đây là lần đầu tiên nhà lãnh đạo Iran đưa ra lời đe dọa nhằm vào các lực lượng châu Âu trong khu vực. Ông yêu cầu người Mỹ rời đi và cáo buộc họ làm cho khu vực mất an toàn, cho rằng Washington cần "xin lỗi Tehran" vì "những tội ác trước đây".

Mỹ đã tăng cường đáng kể sự hiện diện quân sự ở Vùng Vịnh trong năm qua, khi các hoạt động vận tải thủy và cơ sở dầu lửa bị tấn công. Iran bị cáo buộc là thủ phạm nhưng nước Cộng hòa Hồi giáo thẳng thừng bác bỏ. Anh hiện có khoảng 400 lính ở Iraq, triển khai xung quanh Irbil, Baghdad và Taji - những địa điểm này thời gian quan đều là mục tiêu mà các dân quân Iraq được lực lượng tinh nhuệ Quds của Iran hậu thuẫn nhắm đến. 

Các lực lượng EU còn đóng ở các nước GCC (Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh), và Pháp cùng với Anh có một số lượng nhỏ lính đặc nhiệm ở Syria. Một số nước EU có lính tham gia Chiến dịch Nhổ Tận gốc, liên minh chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq.

Chỉ huy Quds là thiếu tướng Qassem Soleimani đã thiệt mạng trong một cuộc không kích của Mỹ ngày 3/1 ở Baghdad. Sự kiện này đã làm căng thẳng giữa Washington và Tehran leo lên một mức mới với các đòn "ăn miếng trả miếng" lẫn nhau. Các lực lượng phương Tây cùng các đại sứ quán trong khu vực đã được đặt trong tình trạng báo động cao kể từ đó.

Tổng thống Rouhani cũng sử dụng bài phát biểu ngày 15/1 để chỉ trích châu Âu không giữ đúng cam kết theo thỏa thuận hạt nhân - được Iran ký với các cường quốc vào năm 2015, theo đó Tehran hạn chế chương trình hạt nhân để được dỡ bỏ cấm vận.

"EU nên thực hiện các cam kết của mình theo thỏa thuận hạt nhân", ông Rouhani nhấn mạnh, tố EU không hành động như một khối độc lập. Nhà lãnh đạo Iran cho rằng châu Âu nên xin lỗi Iran vì đã nuốt lời còn Mỹ nên quay trở lại với thỏa thuận 2015.

Trong một thông báo chung ngày 15/1, Pháp, Anh và Đức thông báo kích hoạt "cơ chế giải quyết tranh chấp" của thỏa thuận để phản đối và "thảo luận" về quyết định gần đây của Iran là ngừng tuân thủ văn kiện này. Iran mô tả biện pháp này "vô hiệu", chỉ trích các nước châu Âu không đền bù cho tất cả những giao dịch thương mại mà Tehran đã tổn thất do cấm vận của Mỹ.

Tổng thống Trump đã đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 hồi tháng 5/2018, đồng thời tái áp đặt trừng phạt lên nước Cộng hòa Hồi giáo.

Sau một số lần dừng tuân thủ các giới hạn của thỏa thuận trong năm 2019 để đáp trả hành động của Mỹ, Iran tuyên bố hôm 5/1 sẽ dừng hẳn tuân thủ, không thực hiện các giới hạn về mức độ làm giàu và dự trữ uranium, hoặc về số lượng máy li tâm đang hoạt động. Tuy vậy, Tehran sẽ vẫn hợp tác với các thanh sát viên hạt nhân Liên Hợp Quốc, và các động thái này có thể đảo ngược nếu trừng phạt được dỡ bỏ.

Tổng thống Rouhani lên án gợi ý của Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 13/1 rằng Tổng thống Trump nên đưa ra một thỏa thuận hạt nhân mới, đồng thời tố "Tổng thống Mỹ luôn luôn nuốt lời".

Ông Trump thường xuyên đề nghị tổ chức các cuộc đàm phán với Iran trong khi tiếp tục tăng cường cấm vận. Ngoại trưởng Iran Javad Zarif hôm 15/1 tuyên bố nước ông "không quan tâm" chuyện đàm phán với Mỹ nữa, còn lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei khẳng định Tehran sẽ "không bao giờ" đối thoại với Washington.

Thanh Hảo