Tehran hành động một cách công khai, thông báo rõ ràng cho cả thế giới biết kế hoạch giảm bớt các cam kết đã đồng ý trong Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA). Iran đã ký JCPOA với nhóm P5+1 gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức tại Vienna (Áo) năm 2015, nhưng vào năm 2018 Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút lui và tái áp đặt cấm vận lên nước Cộng hòa Hồi giáo.

{keywords}
Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Vậy ý định thực sự của Iran là gì khi đáp trả công khai như vậy?

Báo Business Insider chỉ ra rằng Tổng thống Trump bắt đầu xoáy mũi dùi vào Iran ngay khi lên nắm quyền. Ông lên án gay gắt JCPOA, thỏa thuận buộc Iran hạn chế các hoạt động hạt nhân trong khoảng 15 năm để đổi lấy được dỡ bỏ cấm vận kinh tế.

Sau khi rút khỏi thỏa thuận, chính quyền Trump bắt tay ngay vào chiến dịch gây sức ép tối đa, liệt Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) tinh nhuệ của Iran vào danh sách khủng bố và trừng phạt các quan chức cấp cao của Tehran, trong đó có lãnh tụ tối cao Ali Khamenei.

Mới đây, Washington bắt đầu hủy bỏ các miễn trừ cho phép Iran tiếp tục xuất khẩu dầu, đồng thời cảnh báo sẽ đánh giá lại các miễn trừ cho phép các quốc gia khác hợp tác trong các dự án hạt nhân dân sự ở Iran.

Ban đầu, Tehran phản ứng một cách thận trọng nhưng sau đó đã thay đổi chiến thuật. Khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm Tehran hồi tháng 6 vừa qua, mang theo thông điệp từ ông Trump muốn đàm phán, một số tàu dầu trong đó có tàu dầu Nhật, đã bị tấn công ở Eo biển Hormuz.

Tehran khẳng định không liên quan, nhưng sự nghi ngờ và cáo buộc đổ đồn vào IRGC. Sau đó, Iran công khai thừa nhận bắn hạ một máy bay do thám không người lái Mỹ trên bầu trời Vùng Vịnh, hành động khiến ông Trump hạ lệnh oanh kích Iran nhưng hủy vào phút chót.  

Giới phân tích cho rằng, ý định của Iran là kích động Mỹ phản ứng một cách thái quá. Mục đích muốn chứng minh nước này là nạn nhân sự xâm lược của Mỹ, từ đó được cộng đồng quốc tế cảm thông và ủng hộ.

Đầu tiên, Iran tuyên bố cho châu Âu thời gian để đưa ra chiến lược giúp nước này tránh được trừng phạt của Mỹ. Sau đó, Tehran thông báo sẽ từ bỏ các cam kết trong thỏa thuận theo từng giai đoạn. Thay vì thỏa hiệp hoặc nhượng bộ trước người Mỹ, nước Cộng hòa Hồi giáo quyết "tăng nhiệt " bằng cách nâng giá dầu, gợi lên nguy cơ một cuộc xung đột lớn hơn ở Trung Đông và dọa từ bỏ các giới hạn hạt nhân.

Theo giới quan sát, người Iran dường như hy vọng tất cả những hành động kể trên sẽ gây áp lực quốc tế đủ lớn để buộc ông Trump phải lùi bước.  

Michael Doran, một cựu quan chức chính quyền George W. Bush và là người chỉ trích mạnh mẽ JCPOA, nhận định chiến lược của Iran chuyển từ "kiên nhẫn chiến lược" sang "sức ép chiến lược" đánh vào nỗi lo ngại của châu Âu về tính cách khó đoán của Tổng thống Trump, với ba mục tiêu chính: Được nới lỏng trừng phạt về dầu lửa và ngân hàng, vẽ ra ông Trump như một tác nhân gây hỗn loạn; và giữ được các miễn trừ hạt nhân dân sự.

Theo Michael Doran, mục tiêu thứ 3 là quan trọng nhất, bởi nó cho phép Iran tiếp tục phát triển chương trình vũ khí hạt nhân.

Và bằng cách gia tăng căng thẳng như bắn hạ máy bay do thám Mỹ và dọa cắt đứt dòng chảy dầu lửa qua Vịnh Ba Tư, Iran muốn nói với người Mỹ rằng họ sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến tàn khốc khác ở Trung Đông nếu ông Trump không dừng lại.

Theo nhà bình luận Frida Ghitis, chiến lược của Iran đến nay chứng tỏ rất hiệu quả.

Tổng thống Trump, vốn không có ý định khởi sự chiến tranh với Iran, tin vào những người đưa ra cảnh báo rằng đối đầu thêm nữa, trong đó có tấn công quân sự, để trả đũa vụ bắn hạ máy bay do thám, có thể làm bùng nổ một cuộc chiến toàn diện. Đó có thể chính là lý do ông đã rút lại quyết định oanh kích Iran vào phút chót.

Người Iran dường như đã đọc vị được vị Tổng tư lệnh Mỹ.

Thanh Hảo