Các hoạt động vận tải dầu lửa ở Vùng Vịnh qua Eo biển Hormuz đã trở thành một tâm điểm gây căng thẳng giữa Mỹ và Iran sau khi Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân quốc tế mà Tehran ký với các cường quốc thế giới năm 2015, đồng thời áp cấm vận nhằm bóp nghẹt xuất khẩu dầu của Iran.
Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif. (Ảnh: Reuters) |
Sau các vụ nổ làm hỏng 6 tàu dầu hồi tháng 5 và 6, và việc Iran bắt giữ tàu dầu mang cờ Anh hồi tháng 7, Mỹ đã thành lập một liên minh an ninh hàng hải ở Vùng Vịnh để bảo vệ các tàu thương mại.
Trong những bình luận khi trả lời phỏng vấn được báo Al Jazeera trích dẫn, Ngoại trưởng Zarif tuyên bố Eo biển Hormuz "rất hẹp, nó sẽ trở nên ít an toàn hơn khi các tàu (hải quân) nước ngoài tăng cường sự hiện diện ở đó".
"Khu vực sẽ trở thành một mồi lửa sẵn sàng bùng cháy vì bị Mỹ và các đồng minh chất đầy vũ khí", người đứng đầu Bộ Ngoại giao Iran tuyên bố.
Ông Zarif, người vừa tới Doha hôm 11/8, đã gặp Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani để hội đàm nhằm truyền tải thông điệp trên, theo báo chí Iran. Qatar, nước chủ nhà của một trong nhưng căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ tại Trung Đông, đang cố gắng không bị lôi kéo vào một cuộc xung đột leo thang giữa Washington và Tehran.
Cùng ngày 12/8, Iraq - nước có mối quan hệ tốt với cả Mỹ và Iran - cảnh báo rằng một sự triển khai các lực lượng phương Tây sẽ càng thổi bùng căng thẳng trong khu vực.
Eo biển Hormuz rộng 33km chứng kiến căng thẳng leo thang sau các vụ tấn công tàu dầu mà Iran bị tố là thủ phạm nhưng thẳng thừng bác bỏ, cộng thêm việc Iran và Mỹ bắn rơi máy bay do thám không người lái của nhau.
Tháng trước, căng thẳng càng bùng lên khi lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) bắt giữ tàu dầu Anh Stena Impero gần Eo biển Hormuz với cáo buộc vi phạm các quy định hàng hải. Trước đó 2 tuần, Anh bắt tàu dầu Iran gần Gibraltar với lý do tàu chở dầu tới Syria vi phạm lệnh cấm vận của EU.
Thanh Hảo