Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm nhấn mạnh, muốn tăng lưu lượng và người dùng IPv6 tại Việt Nam thì rất cần phải hình thành được một hệ sinh thái bền vững giữa các ISP và các nhà cung cấp dịch vụ nội dung có ứng dụng IPv6.
Thông điệp này được ông Tâm đưa ra tại Hội thảo “Hành động quốc gia về IPv6 - Chung tay cung cấp dịch vụ tới người sử dụng” diễn ra sáng nay, 6/5, tại Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm phát biểu tại Hội thảo. |
Phát biểu với tư cách Trưởng Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia, ông Tâm cho biết, từ năm 2012, ngày 6/5 hàng năm đã được Bộ TT&TT chính thức quyết định lựa chọn là “Ngày IPv6 Việt Nam” để huy động toàn bộ cộng đồng các doanh nghiệp cũng như cộng đồng người sử dụng Internet vào cuộc thúc đẩy chuyển đổi IPv4/ IPv6. Việt Nam cũng đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 để làm thay đổi nhận thức của cộng đồng về vấn đề này, cũng như để quá trình chuyển đổi IPv6 tại Việt Nam đi đúng hướng, có lộ trình rõ ràng.
Hiện Kế hoạch hành động đã khép lại giai đoạn 2, bước sang giai đoạn 3 (2016 – 2020). Đây được coi là giai đoạn cốt lõi nhất, với mục tiêu là tập trung đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ trên nền IPv6 đến người sử dụng. “Thời gian tới, cần có sự chung tay đưa các dịch vụ IPv6 đến người sử dụng, chỉ khi nào có dịch vụ thì lưu lượng mới tăng”, ông chỉ rõ.
Hiện Bộ TT&TT và Ban công tác đã quyết định sẽ tổng rà soát lại toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật, tất cả các cơ chế chính sách trực tiếp hoặc gián tiếp để hỗ trợ cho việc phát triển dịch vụ trên nền IPv6; trên cơ sở đó sẽ ban hành các văn bản nhằm tạo điều kiện thúc đẩy tăng lưu lượng IPv6 trong thời gian tới.
3 chủ đề được tập trung thảo luận tại Hội thảo sáng nay là: Cung cấp dịch vụ băng rộng cố định trên nền IPv6; IPv6 với các nhà cung cấp dịch vụ nội dung số; Triển khai IPv6 trên tầm nhìn của doanh nghiệp ICT lớn. Nhiều doanh nghiêp lớn như VNPT, Viettel, FPT cũng cập nhật thông tin mới nhất về tình hình triển khai IPv6 trên toàn cầu và Việt Nam, trao đổi thảo luận về thực tế, những khó khăn, thách thức trong triển khai IPv6, cũng như lộ trình và kế hoạch triển khai IPv6 cho giai đoạn 3 của mỗi doanh nghiệp.
Về phần mình, đại diện VNNIC, thường trực Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia cho biết, kết thúc giai đoạn 2, mạng IPv6 quốc gia đã được hoàn thiện, với 10 ISP kết nối IPv4/IPv6. Đặc biệt, nếu như các năm trước trên hệ thống thống kê của CISCO, APNIC và Google, tỷ lệ người dùng IPv6 của Việt Nam là 0% thì đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ người sử dụng IPv6 của Việt Nam đã đạt gần 0,03%.
"Các doanh nghiệp chủ đạo như NetNam, FPT Telecom, Viettel, VNPT đều đã sẵn sàng hỗ trợ IPv6", VNNIC nói thêm.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Phan Tâm cho rằng, thực tế triển khai và hiện diện của các dịch vụ và sản phẩm IPv6 tại Việt Nam vẫn còn hạn chế, chủ yếu là do khả năng phổ biến và tiếp cận thông tin về IPv6 của các doanh nghiệp và người sử dụng chưa được chú trọng.
T.C