Một trong các kết quả nổi bật của Đại hội đồng IPU-142 là hai nghị quyết về tăng cường hòa bình chống lại các mối đe dọa xung đột do biến đổi khí hậu gây ra và về lồng ghép số hóa và kinh tế tuần hoàn nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) được Đại hội đồng thông qua với sự đồng thuận cao. Trước đó, hai dự thảo nghị quyết đã được đưa ra bàn thảo tại các phiên họp trực tuyến của Ủy ban thường trực về Phát triển bền vững và Ủy ban thường trực về Hòa bình và an ninh thế giới của IPU. Tại các phiên họp này, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đều tham gia tích cực và có những đóng góp thiết thực, cụ thể. 

Cả hai nghị quyết trên được thiết kế để trở thành kế hoạch chi tiết cho hành động của Nghị viện ở cấp quốc gia. Trong đó, nghị quyết về lồng ghép số hóa và kinh tế tuần hoàn nhằm đạt được SDGs được Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Dương Quốc Anh đánh giá là nghị quyết rất toàn diện, tham vọng nhưng cũng cực kỳ cần thiết, nhất là trong bối cảnh đại dịch hiện nay. Nghị quyết của IPU khẳng định, số hóa là công cụ quan trọng để củng cố nền kinh tế tuần hoàn. Ở chiều ngược lại, các nguyên tắc tuần hoàn cũng cần phải được coi là trọng tâm của số hóa.

{keywords}
Ảnh minh họa

Để Nghị quyết của IPU có thể thúc đẩy và dẫn dắt các công việc và hành động của Nghị viện trong lĩnh vực số hóa và nền kinh tế tuần hoàn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Dương Quốc Anh đại diện cho Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đề xuất, các Nghị viện thành viên cần nâng cao nhận thức chung của toàn xã hội về Nghị quyết này, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, trước hết là với các cơ quan của Quốc hội, sau đó là Chính phủ và người dân nhằm hình thành nền kinh tế tuần hoàn với sự hỗ trợ của số hóa. IPU cần củng cố quan hệ hợp tác với các nghị viện thành viên và các tổ chức khác, bao gồm cả các tổ chức Nghị viện khu vực nhằm thu thập chứng cứ, thông tin về nền kinh tế tuần hoàn, môi trường và số hóa, xây dựng khung hướng dẫn cho các hành động của Nghị viện. Bên cạnh đó, IPU cần chủ động tạo diễn đàn chính thức cho các Nghị viện thành viên tiếp tục học hỏi thực tiễn, kinh nghiệm của nhau và đẩy mạnh hơn nữa sự ủng hộ từ phía các nghị viện của các quốc gia là nhà tài trợ cho các quốc gia khác.

Với việc tích cực tham gia Đại hội đồng IPU-142 và các phiên họp liên quan, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò là thành viên trách nhiệm của IPU và các diễn đàn Nghị viện quốc tế, khu vực; đồng thời, thể hiện sự ủng hộ đối với sự phát triển của IPU cũng như các định hướng chiến lược mới của IPU trong giai đoạn 2022 - 2026.

Phát biểu tại phiên họp toàn thể của Đại hội đồng IPU-142, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn - Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Đại hội đồng IPU-142 hoan nghênh IPU đã chủ động chuyển đổi linh hoạt thích ứng với bối cảnh mới, minh chứng là việc tổ chức Đại hội đồng IPU-142 theo hình thức trực tuyến với một chủ đề mang tính thời sự, phản ánh ý nguyện của 179 Nghị viện thành viên trong ứng phó với đại dịch nghiêm trọng này. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội bày tỏ hy vọng, sự cam kết chính trị mạnh mẽ, sự cố gắng, nỗ lực, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau của tất cả các Nghị viện thành viên IPU sẽ giúp chúng ta “Vượt qua đại dịch hôm nay và xây dựng một ngày mai tốt đẹp hơn”.

Hằng Nga