Trang công nghệ CNET giải thích việc iPad Pro, Apple TV và bộ đôi iPhone mới không gây được bất cứ bất ngờ nào cho người dùng, cũng như khiến giới công nghệ thất vọng là do tính năng của chúng... cũ rích.
"Nhiều tính năng Apple quảng cáo là sáng tạo, là mới mẻ, là thay đổi mọi thứ thực ra đã được các đối thủ công bố từ lâu rồi", trang này mỉa mai.
iPhone 6s Plus (trái) và Galaxy Note 5 |
Trong sự kiện hoành tráng chưa từng có diễn ra vào đêm 9/9 vừa qua, Tổng giám đốc Tim Cook đã tuyên bố rất hùng hồn trước cử tọa đầy nghi ngại bên dưới về việc iPhone 6s và 6s Plus giống y đúc bộ đôi iPhone 6 năm ngoái rằng, "Trông chúng giống nhau thật đấy, nhưng thực ra chúng tôi đã thay đổi mọi thứ với hai model iPhone này". Cook cũng miêu tả Apple TV là một thiết bị "đơn giản nhưng sẽ lột xác cách người dùng xem TV", còn gọi iPad Pro là "sự diễn tả rõ ràng nhất tầm nhìn của Apple về tương lai của điện toán cá nhân".
Thế nhưng thực tế là chẳng có gì mới cả, ngoại trừ công nghệ cảm ứng lực 3D Touch.
Nhiều năm nay, iPhone không có bất cứ sự thay đổi đáng kể nào về thiết kế cũng như chức năng cơ bản cả, nhưng dù sao với phần mềm trợ lý ảo Siri hay máy quét vân tay, Apple vẫn còn đi trước các đối thủ. Nhưng giờ đây, rõ là Táo khuyết mới là kẻ vay mượn từ Google hay Microsoft, từ tính năng Live Photos cho đến RAM 2GB. Camera dù nâng cấp từ 8MP lên 12MP thì vẫn cứ là lẹt đẹt đi sau các smartphone Samsung cùng hạng, trong khi thiết kế lại dày hơn và nặng hơn đáng kể so với model năm ngoái.
Nhà phân tích Ben Schachter của Macquaire đánh giá sự kiện 9/9 có "nhiều nỗi thất vọng hơn là bất ngờ tích cực", trong khi chuyên gia Sundeep Bajikar của Jeffferies gọi iPhone 6s là "sản phẩm thiếu muối".
Việc vay mượn tính năng diễn ra lộ liễu như thể Apple chẳng buồn che giấu thực tế đó. Chẳng hạn như iPad Pro với những điểm hút khách nhất là đa nhiệm, màn hình lớn với bàn phím và bút cảm ứng tùy chọn - đều đã xuất hiện ở Microsoft Surface từ cách đây 3 năm. Tương tự, sự bổ sung đáng chú ý nhất ở Apple TV là điều khiển bằng giọng nói đã được Amazon trang bị cho Fire TV từ lâu, còn khả năng tìm kiếm thông tin. Ngay cả quầy ứng dụng dành riêng cũng được Android hình thành từ vài năm nay.
Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên Apple chơi trò vay mượn kiểu này. Táo khuyết không phải hãng đầu tiên tung ra thị trường máy nghe nhạc số, smartphone hay tablet. Nhưng cả 3 sản phẩm - iPod năm 2001, iPhone năm 2007 và iPad năm 2010 - bằng cách nào đó, đều tạo ra được một cuộc cách mạng trên thị trường nhờ vào thiết kế sành điệu và phần mềm dễ sử dụng.
Nhưng liệu sự vay mượn này có kéo dài được lâu không? Giới phân tích không khỏi thắc mắc về năng lực sáng tạo của Apple, rằng liệu Táo khuyết còn "duy trì" được yếu tố mới mẻ, thời thượng bao lâu nữa, khi mà sản phẩm của hãng cứ lẹt đẹt chạy sau đối thủ thế này, dù đúng là chúng trau chuốt hơn, bắt mắt hơn, thân thiện với người dùng hơn. Một khi sức hút thương hiệu mà Apple tạo ra "hết phép" và quyết định chọn mua sản phẩm chỉ thuần túy xuất phát từ công nghệ, cấu hình, phần cứng, liệu Apple có thể cạnh tranh được với các đối thủ Android? Đừng thắc mắc vì sao phố Wall lại phản ứng tiêu cực sau sự kiện 9/9 như vậy, bởi rõ ràng, vấn đề này sẽ không giải quyết được trong ngày một, ngày hai.
T.Cầm