Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp an toàn và trật tự (Thoả thuận GCM) ra đời trên cơ sở Tuyên bố New York về người tị nạn và di cư vào tháng 9/2016 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác toàn cầu về quản lý di cư.  Thỏa thuận GCM được thông qua tại Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 73 vào ngày 19/12/2018 với đa số thành viên Liên hợp quốc tán thành. 

Thoả thuận GCM ra đời đúng vào thời điểm mà thế giới cần có sự hợp tác tự nguyện và vững chắc về di cư để đảm bảo đầy đủ sự an toàn và thịnh vượng của người di cư và là Thỏa thuận liên chính phủ đầu tiên về di cư hướng đến tăng cường quản trị di cư toàn cầu nhằm ứng phó với những thách thức hiện nay của di cư và thúc đẩy sự đóng góp của người di cư đối với phát triển bền vững, qua đó hiện thực hóa mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau” được nêu tại Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc vì sự phát triển bền vững. 

Là nước gốc, đồng thời là nước tiếp nhận của di cư quốc tế, Việt Nam đã tham gia tích cực trong quá trình xây dựng, đàm phán, thông qua Thoả thuận GCM.

Coi Thỏa thuận GCM là một bước tiến quan trọng trong hợp tác quốc tế về di cư, là kết quả của sự đoàn kết, tinh thần chia sẻ trách nhiệm của các quốc gia hướng tới mục tiêu thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn và trật tự vì sự phát triển bền vững và bao trùm.

Ảnh minh hoạ

Thực hiện Thỏa thuận GCM tại Việt Nam, Việt Nam đưa vào triển khai trên thực tiễn 23 mục tiêu của Thoả thuận GCM. Chính phủ Việt Nam đã ban hành, triển khai nhiều chính sách pháp luật như: Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai Thỏa thuận GCM từ 2020-2030, đưa vào sử dụng Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư và các hoạt động bảo hộ lãnh sự đối với người di cư; triển khai hiệu quả các dự án hỗ trợ tái hòa nhập bền vững cho phụ nữ di cư trở về và gia đình họ….

Đặc biệt, đầu năm 2020, Chính phủ Việt Nam đã ký Quyết định 402/QĐ-TTg năm 2020 về Kế hoạch triển khai Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự của Liên Hợp Quốc, trong đó đề ra giải pháp toàn diện và bao trùm nhằm nâng cao hiệu quả quản lý di cư, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người di cư; rà soát, nghiên cứu nhằm xây dựng Chương trình phòng chống mua bán người giai đoạn 2021-2025  và định hướng đến năm 2030 với mục tiêu tăng cường hiệu quả phối hợp liên ngành; cải thiện công tác thống kê; đẩy mạnh điều tra, xử lý tội phạm mua bán người và truyền thông phòng ngừa, nâng cao nhận thức.

Việt Nam cũng đã khẳng định rõ ràng và nhất quán quan điểm là luôn ủng hộ cách tiếp cận mở, bao trùm, công bằng và toàn diện về di cư cũng như hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này; cần tăng cường đối tác toàn cầu để huy động nguồn lực, tập trung vào các vấn đề ưu tiên và mới nổi, bảo đảm tính chắc chắn và tính dễ dự đoán của các kênh di cư hợp pháp và an toàn; đẩy nhanh việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Hiện đã có 40 tỉnh thành ở Việt Nam thí điểm áp dụng Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, với mong muốn sẽ xác định và hỗ trợ được nhiều nạn nhân trên cơ sở pháp luật hiện hành và việc triển khai Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025.

Không dừng ở đó, Việt Nam khẳng định, sẵn sàng trao đổi, phối hợp với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ để tăng cường hơn nữa hiệu quả của việc hợp tác phòng, chống loại hình tội phạm này.

Những tiến tình trên và đặc việt, việc Việt Nam tham gia tích cực Thoả thuận GCM ngay từ đầu là những minh chứng sống động thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc tăng cường nhận thức chung, trách nhiệm chia sẻ, thống nhất về mục đích trong lĩnh vực di cư, để di cư có lợi cho tất cả các bên liên quan- những nền tảng cốt lõi trong Thỏa thuận GCM.

Duy Linh và nhóm PV, BTV