Như ICTnews đã đưa tin, sáng qua (3/8), các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) đã xác nhận thông tin tuyến cáp quang biển AAG đã bị đứt từ chiều ngày 2/8/2016. Thông tin mới nhất từ VNPT cho hay,  theo thông báo từ Trung tâm điều hành tuyến cáp quang biển quốc tế châu Á - Thái Bình Dương (AAG), vào lúc 17h 35 ngày 2/8/2016, tuyến cáp quang biển này đã bị đứt ở phân đoạn cách HongKong 80km và nguyên nhân được xác định là do ảnh hưởng bởi bão số 2.

Được khai trương và đưa vào hoạt động từ tháng 11/2009, AAG là hệ thống cáp quang biển có chiều dài 20.000 km, dung lượng thiết kế đạt đến 2 Terabit/giây, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ. Tuyến cáp quang biển này được đưa vào khai thác từ năm 2009, đi qua Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam (điểm cập bờ tại Vũng Tàu), Brunei, Hong Kong, Philippines và Mỹ (Guam, Hawaii và California). Có 4 nhà mạng Việt Nam tham gia đầu tư vào dự án này là Viettel, VNPT, FPT và SPT.

Kể từ khi được đưa vào hoạt động hồi cuối năm 2009, tuyến cáp AAG đã nhiều lần gặp sự cố hoặc được bảo trì khiến lưu lượng của các ISP tại Việt Nam đang khai thác trên tuyến cáp đều bị ảnh hưởng. Theo thống kê trên trang tin nội bộ của FPT, năm 2014 tuyến cáp AAG đã 2 lần bị đứt vào các tháng 7 và 9. Năm 2015, số lần đứt cáp là hơn 3 lần. Riêng trong năm 2016, tính đến nay, cáp AAG đã 3 lần gặp sự cố. Trong 2 lần trước vào đầu tháng 3 và cuối tháng 6 năm nay, tổng số thời gian AAG bị đứt, được bảo trì khiến cho việc truy cập Internet từ Việt Nam đi quốc tế bị chập chờn lên tới gần 10 ngày.

Việc AAG tiếp tục gặp sự cố từ chiều ngày 2/8/2016 đã khiến các khách hàng của các ISP tại Việt Nam đang sử dụng tuyến cáp này theo hướng đi quốc tế như dịch vụ web, email, video… sẽ bị chậm do lưu lượng chuyển sang các hướng dự phòng và có khả năng gây nghẽn. Trong khi đó, các dịch vụ Internet trong nước không bị ảnh hưởng.

Ngay sau khi phát hiện cáp AAG lại gặp sự cố, các nhà mạng VNPT, Viettel, FPT… đều đã triển khai phương án dự phòng, sử dụng các tuyến cáp khác để chuyển tiếp lưu lượng AAG bị ngừng hoạt động nhằm giảm thiểu ảnh hưởng tới các khách hàng. Cụ thể, Viettel khẳng định đã kịp thời bổ sung dung lượng từ tuyến cáp quang biển Liên Á (IA) để bù đắp dung lượng kết nối quốc tế nên các giao dịch, trao đổi thông tin, kết nối Internet trong nước và quốc tế, của khách hàng Viettel không bị ảnh hưởng bởi sự cố đứt cáp quang AAG.

Thông tin từ VNPT cũng cho hay, nhằm giảm thiểu ảnh hưởng tới khách hàng do sự cố đứt cáp AAG, nhà mạng này đã thực hiện điều chuyển dung lượng qua 2 tuyến cáp, gồm tuyến cáp biển SMW-3 cập bờ tại Đà Nẵng và tuyến cáp quang đất liền qua biên giới Trung Quốc nhằm san tải lưu lượng. VNPT cũng cho biết đang khẩn trương phối hợp với các đối tác trong và ngoài nước khắc phục sự cố để đảm bảo thông tin liên lạc cho khách hàng.

Đối với NetNam và CMC Telecom, đại diện lãnh đạo 2 nhà mạng này đều cho biết sự cố đứt cáp AAG lần này ít ảnh hưởng đến các khách hàng của họ do cả NetNam và CMC Telecom từ khoảng 2 năm trở lại đây đã triển khai các hoạt động để giảm phụ thuộc vào tuyến cáp AAG. Theo đại diện CMC Telecom, hiện dung lượng qua AAG chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng dung lượng quốc tế của CMC.

Còn với NetNam, trả lời ICTnews vào chiều nay, ngày 4/8/2016, Tổng giám đốc Vũ Thế Bình cho biết: “Từ giữa năm ngoái, chúng tôi đã nâng dung lượng sử dụng trên các tuyến cáp quang biển khác như Inter-Asia và các tuyến cáp đất liền qua biên giới phía Bắc. Hiện tại, NetNam không sử dụng dung lượng AAG cho việc cung cấp dịch vụ truy nhập Internet cho các khách hàng của NetNam, mà hướng này chỉ được dùng trong trường hợp có sự cố với một trong các hướng mà NetNam đang sử dụng”.

Các ISP cũng cho biết, đến điểm hiện tại, Trung tâm điều hành tuyến cáp quang  biển AAG vẫn chưa đưa ra thông báo cụ thể gì về kế hoạch sửa chữa cũng như thời gian phục hồi dự kiến của tuyến cáp này.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của Tổng giám đốc NetNam Vũ Thế Bình, thông thường việc khắc phục sự cố đứt cáp cần khoảng từ 1-3 tuần, tuỳ theo địa điểm bị sự cố, sự sẵn sàng của tàu ứng cứu và điều kiện thời tiết. “Với tình hình thời tiết không thuận lợi như hiện nay thì trong 1 tuần khả năng chưa phục hồi được”, ông Bình dự báo.

Ông Vũ Thế Bình cũng cho biết thêm, mặc dù các doanh nghiệp viễn thông đều đã chuẩn bị trước cho kịch bản AAG bị sự cố, tuy nhiên việc này cũng có ảnh hưởng đến Internet Việt Nam. Và do các tuyến cáp mới liên tục bị kéo dài tiến độ hoàn thành nên trong thời gian 6 - 12 tháng tới, Internet Việt Nam vẫn phải dùng nhiều dung lượng qua tuyến AAG.