Như ICTnews đã đưa, theo thông tin từ đơn vị điều hành tuyến cáp quang biển quốc tế AAG (Asia America Gate Way), vào 18 giờ 53 phút ngày 15/7/2014 đã xảy ra sự cố khiến một sợi cáp trên tuyến cáp AAG (phân đoạn Vũng Tàu – Hong Kong) bị đứt. Vị trí gián đoạn cách trạm cập bờ Vũng Tàu 18km, nằm ở độ sâu 19m dưới mực nước biển. Sự cố này khiến lưu lượng của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tại Việt Nam đang khai thác trên tuyến này đều bị ảnh hưởng.

Trao đổi với ICTnews sáng 16/7/2014, ông Vũ Thế Bình, Tổng Giám đốc Netnam khẳng định dịch vụ Internet do Netnam cung cấp đến giờ vẫn chưa bị ảnh hưởng gì vì Netnam đã triển khai hoạt động ứng cứu sự cố.

Cũng theo ông Vũ Thế Bình, một trong những giải pháp ứng cứu sự cố đứt cáp quang biển AAG  được một số nhà cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam áp dụng là mở thêm các tuyến cáp quang biển khác để dồn lưu lượng vào các tuyến cáp quang biển này. Ngoài AAG còn có các tuyến cáp quang biển quốc tế như SMW3, IA... Song cách thông thường nhất mà các nhà cung cấp dịch vụ Internet hay dùng là mở thêm lưu lượng qua hướng đất liền.

"Mỗi khi có sự cố thế này thì các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đàm phán với các đối tác viễn thông nước ngoài để mở thêm dung lượng qua hướng đất liền. Doanh nghiệp sẽ tốn thêm rất nhiều chi phí vì đề xuất mở hướng ứng cứu bất thường sẽ phải chịu giá dịch vụ cao hơn so với cam kết dùng dịch vụ lâu dài", ông Vũ Thế Bình chia sẻ.

đứt cáp quang biển AAG

Trong thông báo sáng nay, 16/7/2014, FPT Telecom cũng cho biết đã sử dụng các tuyến cáp đất liền để chuyển tiếp lưu lượng AAG bị ngừng hoạt động nhằm giảm thiểu ảnh hưởng tới khách hàng. FPT Telecom khuyến cáo khách hàng nên sử dụng Internet quốc tế cho các dịch vụ quan trọng của mình, các dịch vụ khác nên chuyển sang các hướng trong nước để tối ưu hoá dung lượng truyền tải. Trong thời gian qua, FPT Telecom đã liên tục mở rộng băng thông quốc tế nhằm tăng thêm dung lượng sử dụng cho khách hàng và hạn chế việc ảnh hưởng khi một trong các hướng kết nối quốc tế gặp sự cố.

Tính đến thời điểm này, AAG vẫn là tuyến cáp quang biển quốc tế có giá dịch vụ rẻ nhất. Cách đây 1 năm, tuyến cáp quang này vừa được nâng cấp. Một câu hỏi được đặt ra là tại sao tuyến cáp này lại thường xuyên gặp sự cố hơn các tuyến cáp quang biển khác, thời gian gián đoạn dịch vụ mỗi năm lên tới 1 – 2 tháng. Câu hỏi này đến giờ chưa có câu trả lời chính xác.

Tổng Giám đốc Netnam Vũ Thế Bình cũng chỉ đưa ra một số lý do có thể gây đứt các tuyến cáp quang biển. Chẳng hạn để giảm chi phí đầu tư, đơn vị triển khai cáp đã rải cáp ở những vị trí có thể tiết kiệm hơn nhưng có nhiều nguy cơ rủi ro hơn. Ví dụ chôn cáp ở sâu dưới biển sẽ tốn kém hơn ở vị trí biển nông, nhưng ở chỗ biển nông thì dễ bị đứt cáp hơn, đã từng có sự cố xảy ra chỉ vì tàu cá thả neo gây đứt cáp.

Đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có thông tin chính thức về thời gian dự kiến khôi phục sự cố bởi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, đặc biệt là điều kiện thời tiết đang diễn biến phức tạp trên biển.

Các nhà cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam như VHost, FPT Telecom, CMC Telecom, Netnam đều đã công bố thông tin về sự cố đứt cáp quang biển AAG cho khách hàng và mong nhận được sự thông cảm, chia sẻ từ khách hàng. Hiện các doanh nghiệp này đều đang gấp rút phối hợp chặt chẽ với đơn vị điều hành tuyến cáp quang biển AAG để cập nhật thông tin tới khách hàng và khôi phục hoàn toàn liên lạc trong thời gian sớm nhất khi tuyến cáp được sửa chữa xong.