Từ một xưởng thiết kế và sản xuất chip theo hợp đồng, Intel đã vươn lên trở thành một trong những công ty chip hàng đầu thế giới, với chiến lược Intel Inside đánh trúng tâm lý người tiêu dùng.
“Intel Inside” - logo quen thuộc dán trên những chiếc máy tính để bàn hay cá nhân, thực chất là một chiến lược marketing thuộc hàng kinh điển của Intel, kéo dài suốt hai thế kỷ, góp phần lớn đưa thương hiệu của tập đoàn Mỹ ngày càng phổ biến.
Vào những năm 1980, Intel đã trở thành một thế lực đáng gờm trong thế giới vi xử lý, nhưng họ vẫn phải đối mặt với sự đe doạ đáng kể từ AMD. Để phục hồi và tác động sâu hơn đối với người tiêu dùng, ban lãnh đạo Intel đã thống nhất thực hiện ý tưởng đột phá “thương hiệu thành phần”.
Thị trường máy tính cá nhân vào những năm 1990 đã bắt đầu trở nên đa dạng với sự xuất hiện của nhiều phần mềm, đi kèm các thông số kỹ thuật khác nhau. Điều này khiến người dùng đối mặt với nhiều lựa chọn khó hiểu và việc đưa ra quyết định mua hàng trở nên phức tạp hơn bao giờ hết.
Khi đó, Intel đã nhận ra cơ hội trong việc tạo ra sự thay đổi ở cách người dùng mua sẵm và quyết định mua sắm. Họ quyết định không chỉ đơn thuần là một nhà sản xuất vi xử lý, mà còn đóng vai trò là người hướng dẫn giúp những khách hàng “mù công nghệ” có thể thấu hiểu dễ dàng những giá trị về công nghệ và hiệu suất máy tính.
Đây được coi như bước ngoặt biến Intel từ một công ty công nghệ, trở thành một thương hiệu tiêu dùng phổ biến. Họ đã biến sản phẩm vi xử lý trở thành yếu tố hàng đầu để người dùng “xuống tiền” với một chiếc PC/laptop. Intel đã nhận lại gấp nhiều lần số tiền 110 triệu USD mà họ chi ra cho ý tưởng tiếp thị độc đáo này.
Giai đoạn đầu, Intel đàm phán thành công với những thương hiệu sản xuất gốc (OEM) hàng đầu như Compaq và IBM để dán logo “Intel Inside” trên sản phẩm và trong các chiến dịch quảng cáo.
Asus, Acer, Lenovo, Dell hay HP lần lượt gia nhập danh sách đối tác được Intel trả tiền để dán logo, như một chỉ dấu cho chất lượng sản phẩm mà họ cung cấp.
Kể từ khi bắt đầu chiến dịch, Intel cũng nhiều lần thay đổi logo để phù hợp với từng giai đoạn phát triển của công ty. Sau này, công ty còn bổ sung thêm các hậu tố như Core i3, Core i5 và Core i7 dưới dòng chữ Intel Inside để người dùng dễ dàng nhận biết con chip đang sử dụng trong máy.
Sự thành công của chiến lược Intel Inside được thể hiện ngay trong những thay đổi về tài chính của công ty. Chẳng hạn, vào năm 1991, giá trị vốn hoá Intel chưa tới 1 tỷ USD, đến năm 2003, con số đã vượt ngưỡng 5 tỷ USD. Vào năm 1992, một năm sau khi thực hiện tiếp thị mới, doanh thu Intel tăng hơn 63%, mức độ nhận diện thương hiệu công ty tại châu Âu tăng đến 94% vào năm 1995, so với con số 24% trước đó.
Thay vì chip Intel, những máy tính ngày nay có thể chạy trên các bộ xử lý từ nhiều nhà sản xuất, chủ yếu là Qualcomm, nhưng cũng có thể là Nvidia, AMD và các công ty ít tên tuổi hơn như Santa Clara, Amlogic trụ sở tại California và MediaTek có trụ sở tại Đài Loan.
Trong khi đó, Intel lại tỏ ra chậm chân đối với lĩnh vực kinh doanh bộ xử lý di động. Đến tận năm 2011, công ty này mới có những động thái đầu tiên, nhưng thế đã là quá muộn khi ARM và Apple đã bắt đầu công cuộc “cách mạng” từ những năm 1993 với thế hệ máy Newton đầu tiên. Điều này giúp Apple có một khởi đầu vượt trội với phần còn lại của ngành trong việc thiết kế những con chip di động hiệu năng cao.
Không chỉ vậy, giờ đây, Google, Qualcomm, Amazon và những hãng khác có thể sử dụng bản thiết kế của ARM để tùy chỉnh thiết kế các con chip cung cấp năng lượng cho mọi thứ, từ điện thoại, máy tính xách tay đến máy chủ đám mây. Những con chip này sau đó thường được sản xuất bởi Samsung hoặc TSMC.
Apple gần như đã rời xa hoàn toàn chip của Intel, loại chip mà họ đã sử dụng trong hơn một thập kỷ cho tất cả máy tính để bàn và máy tính xách tay của mình. Đồng thời, thị phần tổng thể của máy tính để bàn và máy tính xách tay đã tăng từ khoảng 12% thiết bị ở Mỹ vào năm 2013 lên gần 30%, theo Statcounter.
Sự ghẻ lạnh này diễn ra dưới nhiều hình thức, cho thấy Microsoft thực sự nghiêm túc với chính sách xoay trục chiến lược. Gã khổng lồ phần mềm đang đẩy nhanh việc đưa hệ điều hành và hệ sinh thái ứng dụng lên đám mây, với mục tiêu tiết kiệm chi phí cho khách hàng - điều dẫn đến một viễn cảnh không xa rằng người dùng chỉ cần những cỗ máy rẻ hơn, chạy trên những con chip thiết kế của ARM, thay vì những “chú khủng long” Intel.
Tháng 11/2023, Microsoft tiết lộ chip tùy chỉnh dựa trên ARM đầu tiên. Một trong số chúng, được gọi là Cobalt, được thiết kế để hoạt động trong các trung tâm dữ liệu và có thể cung cấp trải nghiệm Windows dựa trên đám mây.
Tiếp đến là nỗ lực của Amazon, một trong những nhà cung cấp dịch vụ đám mây hàng đầu, với việc giới thiệu Fire TV Cube có khả năng truyền phát Windows và chạy ứng dụng từ đám mây. Thiết bị này có giá chỉ 200 USD và chạy trên con chip do Amlogic phát triển với thiết kế của ARM.
Qualcomm, lại có tham vọng nhiều hơn cả việc kết nối máy tính xách tay với đám mây. Công ty này muốn thay thế hoàn toàn bộ xử lý của Intel và đối đầu với chip silicon từ Apple.
Đáp lại, Intel lên kế hoạch cho một thế hệ chip mới dành cho laptop “mỏng và nhẹ”. Về công nghệ sản xuất chip tiên tiến, Intel hứa hẹn sẽ bắt kịp đối thủ cạnh tranh chính là TSMC có trụ sở tại Đài Loan (Trung Quốc) vào năm 2025. Dan Rogers, Phó Chủ tịch phụ trách hiệu suất silicon tại Intel, khẳng định “động lực cho lĩnh vực PC chưa bao giờ mạnh mẽ đến thế”.
Trong khi đó, Patrick Moorhead, cựu Giám đốc điều hành AMD, hiện đang là người đứng đầu công ty phân tích công nghệ Moor Insights & Strategy, cho biết Intel có thể đột nhiên trở thành công ty duy nhất có khả năng sản xuất những con chip tiên tiết nhất trong kịch bản khủng hoảng địa chính trị bán đảo Đài Loan diễn biến xấu.
Ngành kinh doanh điện tử tiêu dùng đầy rẫy những sự đảo chiều, Moorhead tin rằng Intel vẫn là một đối thủ cạnh tranh mạnh và “không nên bị loại ra ngoài”.
Thiết kế: Phạm Thị Luyện