Nhiều diễn viên, ca sĩ và cả Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Rick Perry đều chia sẻ một thông điệp kêu gọi Instagram không được sử dụng hình ảnh, tin nhắn của họ mà không xin phép. Tuy nhiên, đây là một trò lừa đã có từ gần 10 năm trước.
Theo nội dung của bản thông báo, Instagram sẽ "có quyền đăng tải công khai tất cả mọi nội dung bạn từng đưa lên, bao gồm cả tin nhắn đã bị xóa hay ảnh bị từ chối". Bản thông báo này cho biết đây là chính sách mới của Instagram, và sẽ có hiệu lực "ngay ngày mai".
Bộ trưởng Năng lượng Mỹ chia sẻ đoạn thông báo giả mạo. Ảnh chụp màn hình. |
Tuy nội dung và hình thức trình bày của bản thông báo đều rất giả tạo, nó đã lừa được nhiều người chia sẻ. Ca sĩ Usher, diễn viên Judd Apatow, Julia Roberts và cả Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Rick Perry đều chia sẻ hình ảnh này lên Instagram của họ.
Theo The Verge, nội dung bản thông báo này đã tồn tại từ năm 2012, ban đầu cái tên được nêu trong nội dung là Facebook. Nó đã được "xào" lại nhiều lần, nhắm tới các đối tượng khác nhau, và lần này là Instagram.
Phần cuối của bản thông báo là một tuyên bố, trong đó người dùng yêu cầu Instagram không được sử dụng các thông tin của họ, bao gồm "tiếp cận, sao chép, phân phối hoặc lấy" lại nội dung đã đăng tải.
"Nội dung này hoàn toàn giả tạo", Stephanie Otway, đại diện của Instagram nói với The Verge. Bản thông báo này hoàn toàn không có mục đích gì và rất vô lý, đồng thời đăng tải lên Instagram cũng không thay đổi được cách mạng xã hội này đang sử dụng dữ liệu.
Chính sách của Instagram có ghi rõ mạng xã hội này được phép sử dụng một số hình ảnh, tin nhắn của người dùng để hiện lên, thu hút những người dùng khác.
"Chúng tôi không giành lấy quyền sở hữu nội dung của bạn, nhưng bạn đã cho phép chúng tôi sử dụng chúng", chính sách của Instagram nêu rõ. Ngoài ra, mạng xã hội này cho phép người dùng có thể từ chối cho phép Instagram sử dụng nội dung "bằng cách xóa nội dung hoặc tài khoản".
Những thông báo như thế này từng được lan truyền rộng rãi trên mạng, bằng cả tiếng Anh và nhiều ngôn ngữ khác, với chủ đề mỗi lần là một mạng xã hội khác nhau. Ảnh: Snopes. |
Theo quy định của Instagram, họ cũng được phép chia sẻ nội dung, dữ liệu cho các cơ quan hành pháp nếu có giấy phép của tòa án hoặc khi nhận thấy cần phải ngăn chặn tội phạm. Tất cả các công ty Internet đều có quy định tương tự.
Bản thông báo này trích dẫn đạo luật không có thật là UCC 1-308-11308. Trong thực tế chỉ tồn tại luật UCC 1-308, nói về quyền kiện nhà sản xuất nếu người dùng mua phải đồ bị hỏng.
Theo The Verge, việc sử dụng các dịch vụ miễn phí như Instagram, Facebook, Snapchat hay Twitter đồng nghĩa người dùng đã đồng ý với các điều khoản, quy định của họ, bao gồm cả trường hợp họ cung cấp thông tin khi có rắc rối về pháp lý. Lựa chọn duy nhất nếu không muốn bị lấy thông tin là từ bỏ các dịch vụ này.
Tuy nhiên, việc những thông điệp giả mạo được lan truyền cho thấy người dùng lo lắng nhưng cũng không mấy rõ về quyền sở hữu dữ liệu của mình.