Indonesia đang trên đà phát triển. Mới năm ngoái, Indonesia đạt được vị thế mới là quốc gia có thu nhập trên trung bình, dựa trên báo cáo xếp loại của World Bank. Tính đến tháng 7/2020, GNI bình quân đầu người của Indonesia ở mức 4.050 USD. Quốc gia đông dân thứ tư thế giới cũng là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.
Đi đầu trong cuộc chuyển đổi kinh tế này là các công ty bản địa, cung cấp hàng hóa, sản phẩm và dịch vụ cho hơn 270 triệu người dân Indonesia. Đáng chú ý, từng là nền kinh tế chủ yếu dựa vào của cải truyền thống như tài nguyên thiên nhiên, nông nghiệp, Indonesia đang được thúc đẩy mạnh mẽ từ các công nghệ dịch vụ số.
Indonesia sẵn sàng trở thành trung tâm kỹ thuật số mới nổi tiếp theo với 51% dân số dưới 30 tuổi, GDP dự phóng tăng trưởng 5% và hơn 197 triệu người dùng Internet. Những cơ hội cho các startup công nghệ vẫn dồi dào, cùng với việc chính phủ đầu tư trực tiếp nhiều hơn. Các công ty trong và ngoài nước đều rót vốn vào kỹ thuật số, công nghệ tài chính (fintech) và đầu tư mạo hiểm. Trong 5 năm tới, phần lớn của cải sẽ tạo ra từ đầu tư mạo hiểm. Startup công nghệ có thể trở thành unicorn và nhà sáng lập gia nhập hàng ngũ các tỷ phú giầu nhất hành tinh.
Kỹ thuật số là điều bình thường mới
Indonesia bắt đầu có các công ty công nghệ từ năm 1997, khi những doanh nghiệp liên quan tới Internet xuất hiện nhan nhản trên toàn cầu, trước khi bong bóng dotcom vỡ khiến nhiều hãng phải đóng cửa. Sau năm 2007, các hãng sống sót có thể cạnh tranh một lần nữa, làm gia tăng việc sử dụng công nghệ trong nước.
Hệ sinh thái công nghệ Indonesia bắt đầu nở rộ từ đầu những năm 2010, cùng với sự xuất hiện của các nhà cung cấp dịch vụ số như Tokopedia, Traveloka, Gojek. Từ đó tới nay, nhiều thứ đã thay đổi, theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Những startup ngày đó đã trở thành doanh nghiệp hàng tỷ USD trong khoảng thời gian ngắn, hệ sinh thái cũng trưởng thành hơn bao giờ hết. Sự thành công của họ trở thành niềm cảm hứng cho thế hệ trẻ học tập tại nước ngoài quay lại quê hương để khởi nghiệp một cách nghiêm túc và thúc đẩy quốc gia phát triển.
Hiện tại, Indonesia sở hữu 6 kỳ lân công nghệ: Gojek, Tokopedia (hai công ty vừa sáp nhập thành GoTo), Bulakapak, Traveloka, OVO và JD.id.
Bất chấp tác động khủng khiếp của đại dịch Covid-19 lên kinh tế vi mô và vĩ mô, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ lại bùng nổ nhờ nhu cầu người tiêu dùng tăng mạnh. Thương mại điện tử, taxi công nghệ, đặt phòng trực tuyến, giao nhận đồ ăn, bưu phẩm… thăng hoa trong khi các doanh nghiệp truyền thống phải đóng cửa do phong tỏa và giãn cách xã hội.
Báo cáo năm 2020 của McKinsey & Company nêu rõ vì sao “kỹ thuật số là chuyển sang điều bình thường mới”. Ngoài 6 unicorn hiện nay, Indonesia có thể đón thêm 4 kỳ lân công nghệ khác trong thập kỷ tới. Covid-19 thổi cơn gió đồng thuận đối với nền kinh tế số Indonesia khi dịch bệnh thúc đẩy mọi người tiếp cận, ứng dụng công nghệ, mang đến các sáng kiến nhanh hơn trước đó, kết hợp với hạ tầng tốt hơn và tầng lớp trung lưu ngày một đông đảo. Công nghệ được dân chủ hóa, trở thành một phần không thể tách rời trong cuộc sống hàng triệu người dân Indonesia.
Theo một nghiên cứu, trong tổng số vốn đầu tư rót vào Đông Nam Á năm 2020, Indonesia chiếm thị phần lớn (2,7 tỷ USD). Dữ liệu của Hiệp hội Khởi nghiệp và Đầu tư mạo hiểm Indonesia chỉ ra tính đến tháng 9/2020, ít nhất 52 startup trong nước đã huy động thành công 1,9 tỷ USD. Những thống kê này cho thấy Indonesia là một trong các điểm đến đầu tư hứa hẹn nhất.
Tiềm năng chưa được khai phá
Tại “vùng đất của unicorn”, mô hình hệ sinh thái khởi nghiệp đã thay đổi. Thay vì thu lời nhanh chóng, các doanh nghiệp và nhà đầu tư nên tập trung vào tính bền vững. Nhiều khu vực tại Indonesia chưa được khai thác dù thị trường công nghệ tăng trưởng mạnh mẽ và tầng lớp trung lưu sở hữu khả năng chi tiêu lớn hơn. Hầu như các startup tại Indonesia đều đặt tại khu vực Jakarta và các giải pháp họ cung cấp tập trung vào khu vực này. Những khu vực như Sumatra, Sulawesi đang bị lẻ loi. Trong khi đó, đảo Sumatra là nơi sinh sống của 21,68% dân số Indonesia, theo kết quả điều tra dân số chính thức năm 2020.
Các thành phố cấp hai và cấp ba của Indonesia sẽ vượt tốc độ tăng trưởng của các thành phố cấp một và tăng tỉ trọng GDP quốc gia từ 3 đến 5% (46 đến 77 tỷ USD) năm 2030. Những lĩnh vực như thương mại điện tử, thanh toán điện tử và cho vay sắp trở nên đại trà và là tiềm năng chưa được khai thác. Vì vậy, các unicorn kế tiếp của Indonesia rất có khả năng xuất phát từ những thành phố cấp hai và cấp ba như Denpasar và Bandung.
Dịch Covid-19 khiến thế giới đảo lộn 2 năm qua, song nhiều startup Indonesia lại thích ứng và điều chỉnh để sống sót và phát triển. Sự trỗi dậy của thế hệ Indonesia trẻ và ham mê công nghệ đóng vai trò đáng kể trong ngành công nghệ suốt đại dịch. Những người vượt qua được khủng hoảng sẽ là cỗ máy tạo ra của cải mới cho Indonesia trong tương lai.
Những khu vực nằm ngoài Jakarta có tiềm năng đáng kể hơn nhiều so với thủ đô. Nền kinh tế số tại các thành phố cấp hai và cấp ba được dự đoán tăng trưởng gấp 5 lần trong 5 năm tới, nhờ vào sự hỗ trợ của các startup chuyên về thương mại điện tử, cho vay và thanh toán số.
Theo ông Semuel Abrijani Pangerapan, Tổng Giám đốc Ứng dụng Công nghệ thông tin Indonesia, chính phủ hoàn toàn ủng hộ văn hóa khởi nghiệp và sẽ tiếp tục phát triển các chương trình, hoạt động nhằm lan tỏa startup đến các tỉnh khác ngoài Jakarta.
Sự hỗ trợ thể hiện rõ trong một loạt chương trình tập trung vào khởi nghiệp như Gerakan National 100 Startup Digital, Startup Studio, trong đó Bộ hỗ trợ các nhà sáng lập startup giai đoạn đầu bằng cách mở ra cơ hội tiếp cận nguồn lực và kết nối với các lãnh đạo doanh nghiệp nổi bật, cơ hội kinh doanh. Ngoài ra, Bộ còn xúc tiến các cơ hội đầu tư tại triển lãm JEJALA ID, một sự kiện nhằm “mai mối” cho startup và nhà đầu tư.
Với quan hệ đối tác đúng đắn và hiểu biết sâu rộng, startup công nghệ Indonesia có thể nhận ra tiềm năng của họ như những người chơi lớn trên toàn cầu. Chính phủ và nhà đầu tư tư nhân đã bày tỏ sự quan tâm trong việc hợp tác với doanh nghiệp địa phương. Những quan hệ như vậy không chỉ củng cố sức mạnh nền kinh tế số Indonesia mà còn thúc đẩy hệ sinh thái startup Đông Nam Á nói chung, hiện thực hóa sự xuất hiện của các unicorn trong 10 năm tới.
Du Lam
CEO 9X Nguyễn Bá Cảnh Sơn trải lòng sau 3 năm khởi nghiệp
Mở rộng thị trường sau 1 năm nhận nguồn vốn đầu tư, CEO 9x Nguyễn Bá Cảnh Sơn cho biết đang trong hành trình chinh phục thị trường xe xanh tại khu vực.