Indonesia và Trung Quốc lên kế hoạch tiến hành phối hợp tuần tra ở Biển Đông để ngăn chặn việc đánh bắt cá trái phép của ngư dân Trung Quốc ở vùng biển Indonesia.
Tàu tuần tra của Lực lượng Giám sát hàng hải Trung Quốc.
“Các cuộc hội đàm hải quân trực tiếp sẽ bao gồm nhiều vấn đề, trong đó có hoạt động của các tàu cá. Ngư dân Trung Quốc thường xuyên xâm nhập vào vùng biển Indonesia, nhưng do họ không có hệ thống định vị toàn cầu (GPS) nên không nắm rõ khu vực biên giới”, ông Purnomo nói sau tiệc tối chào mừng Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt.
“Theo khuôn khổ tuần tra phối hợp, nếu tàu cá nào xuyên qua đường ranh giới, chúng tôi sẽ thông báo để họ rời đi. Nhưng xin hãy chú ý rằng, chúng tôi không có bất kỳ vấn đề song phương nào với Trung Quốc”, ông nhanh chóng khẳng định.
Ông Lương đã có cuộc gặp song phương với người đồng cấp Purnomo và một cuộc gặp không chính thức với các bộ trưởng quốc phòng ASEAN khác bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN tuần trước.
Ông Purnomo cho hay đã yêu cầu Thứ trưởng Quốc phòng Sjafrie Sjamsoeddin soạn thảo thỏa thuận với Đại sứ Trung Quốc Trương Khởi Nguyệt để thiết lập ủy ban chung. Ông nhấn mạnh, Indonesia đã thiết lập các ủy ban tương tự với Mỹ và Malaysia.
Theo phó đô đốc hải quân Indonesia Marsetio, các cuộc hội đàm trực tiếp sẽ thúc đẩy hợp tác song phương giữa lực lượng hải quân hai nước bao gồm hợp tác an ninh hàng hải tại Biển Đông, một điểm nóng gây nhiều quan ngại trong khu vực. Ông nói rằng, Indonesia đã tham gia các cuộc tuần tra phối hợp với Malaysia, Singapore, Philippines, Ấn Độ và Australia.
“Trong các cuộc hội đàm trực tiếp này, chúng tôi sẽ thảo luận về nhiều vấn đề như phối hợp tuần tra, hợp tác trong thăm dò khảo sát thủy văn học và trao đổi chuyên gia”, Marsetio nói.
Ngoài các cuộc hội đàm trực tiếp, Trung Quốc còn đề xuất tiến hành tuần tra phối hợp với các quốc gia thành viên ASEAN để hộ tống các tàu buôn từ khu vực đi qua vịnh Aden trong một phần chiến dịch chống cướp biển.
Ông Purnomo hoan nghênh đề xuất này nhưng không nói rõ Indonesia có nhất trí hay không.
Ước tính có 21.000 tàu đi qua vịnh Aden để tiếp cận tuyến đường vận chuyển quan trọng là kênh Suez. Ước tính cướp biển gây tổn thất cho cộng đồng thế giới từ 13-16 tỉ USD mỗi năm.
Cơ quan Hàng hải quốc tế có trụ sở tại Malaysia trong báo cáo đưa ra ngày 28/4 cho biết, có 173 vụ tấn công của hải tặc và 23 vụ chiếm giữ tàu tính trên thế giới tính đến thời điểm này trong năm. Trong đó, có 26 tàu bị cướp biển Somalia tấn công hoặc chiếm giữ với 518 con tin.
-
Thái An (Theo jakartapost)