Biểu tượng của Amazon, Google và Facebook. (Ảnh:TTXVN) |
Sau khi đánh thuế 6 công ty công nghệ nước ngoài, trong đó có Amazon và nền tảng trực tuyến Netflix, Tổng Cục Thuế Indonesia đang đàm phán với một số công ty công nghệ khác để thu thuế giá trị gia tăng (VAT).
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, người phát ngôn Tổng Cục Thuế, ông Hestu Yoga Saksama cho biết quá trình đàm phán này nhằm đảm bảo rằng các công ty công nghệ sẵn sàng áp thuế VAT đối với các khách hàng tại Indonesia.
Ông Hestu cho biết nhiều công ty công nghệ có thể sẽ thu thuế VAT trong năm nay, song không nêu tên các công ty hoặc tiết lộ chính phủ dự kiến thu được bao nhiêu tiền từ chính sách thuế mới này.
Theo quy định mới, các công ty “không thường trú” (OTT) nước ngoài có doanh thu ít nhất 600 triệu rupiah (khoảng 41.038 USD) từ các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số tại Indonesia, hoặc có ít nhất 12.000 lượt truy cập mỗi năm, sẽ phải trả 10% VAT.
Mới đây, cơ quan thuế Indonesia đã chỉ định 6 công ty công nghệ OTT nước ngoài phải thu thuế VAT từ khách hàng bắt đầu vào tháng Tám tới.
Danh sách này bao gồm Amazon Web Services, Netflix, Spotify, Google châu Á-Thái Bình Dương, Google Ireland, và Google LLC.
Chính phủ Indonesia đang phải vật lộn để tăng thu ngân sách nhằm bù đắp cho các khoản thâm hụt ngân sách dự kiến lên tới 6,34% trong năm nay trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hầu hết các lĩnh vực kinh doanh của nước này.
Cơ quan thuế đang tìm cách tăng nguồn thu trong nửa cuối năm nay sau khi nguồn thu từ thuế chỉ đạt 531.700 tỷ rupiah trong nửa đầu năm, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 44% kế hoạch cả năm.
Đầu tháng Bảy này, chi nhánh Indonesia của Tập đoàn công nghệ Google thông báo tuyên bố sẵn sàng đánh thuế VAT 10% đối với khách hàng nếu được Chính phủ Indonesia yêu cầu.
Việc thu thập sẽ được thực hiện sau khi quy định thuế kỹ thuật số của Indonesia được ban hành vào tháng Tám tới.
The Vietnam+
Thái Lan đề xuất đánh thuế doanh nghiệp Internet ngoại
Ngày 9/6, Chính phủ Thái Lan phê duyệt dự luật yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ Internet nước ngoài trả thuế giá trị gia tăng (VAT).