Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin cho biết, sáng kiến sẽ được khởi động bằng cách ưu tiên mua lại vắc xin Covid-19 từ các công ty có chia sẻ công nghệ và thiết lập cơ sở sản xuất ở Indonesia. "Chúng tôi đang làm việc với WHO để trở thành một trong những trung tâm sản xuất vắc xin công nghệ mRNA trên toàn cầu", ông Sadikin nói hôm nay (16/9).
Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cầm trên tay lọ đựng liều vắc xin Covid-19 của AstraZeneca hồi tháng 3.2021. Ảnh: Reuters |
Vị bộ trưởng còn cho biết, ông đã trực tiếp vận động Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus trong chuyến công du của ông đến châu Âu hồi đầu tháng này. "WHO đã chọn Nam Phi là địa điểm đầu tiên, và tôi cho rằng xét về mặt logic, thì Indonesia nên là địa điểm thứ hai", ông Sadikin nhận định.
Cũng theo Bộ trưởng Y tế Indonesia, đất nước của ông có vị trí thuận lợi để xuất khẩu vắc xin ra toàn cầu. Lý do là vì quốc gia này có số người theo đạo Hồi đông nhất thế giới, nên các liều vắc xin được sản xuất tại đây có thể đảm bảo tiêu chuẩn “halal”, có nghĩa là “được phép sử dụng” theo quy định của Hồi giáo.
Theo Reuters, ông Sadikin còn cho biết các công ty dược phẩm ở Indonesia đang thảo luận để hợp tác nghiên cứu, sản xuất và phát triển vắc xin với các hãng Anhui, Walvax, Sinovac, Genexine, Arcturus Therapeutics và Novavax. Indonesia hiện rất muốn xây dựng kiến thức chuyên môn về các loại vắc xin sử dụng công nghệ mRNA, cũng như các loại vắc xin công nghệ vector do AstraZeneca sản xuất.
Các "trung tâm chuyển giao công nghệ" là một phần trong chiến lược của WHO nhằm phân phối vắc xin một cách rộng rãi hơn trên toàn cầu, đồng thời xây dựng năng lực sản xuất các loại vắc xin thế hệ mới ở những nước đang phát triển.
Theo một người phát ngôn của WHO, Indonesia là một trong 25 nước thu nhập thấp và trung bình có quan tâm đến việc trở thành trung tâm vắc xin toàn cầu. Tuy nhiên, người này từ chối cho biết quốc gia này có phải là ưu tiên hàng đầu của WHO hay không.
Việt Anh
Chiến lược 3 điểm sống chung với Covid-19 ở Indonesia
Indonesia vừa công bố chiến lược gồm 3 trọng tâm, điều chỉnh cách thức ứng phó với đại dịch theo sát tình hình thực tế.