Khi chính phủ đầu tư vào cơ sở hạ tầng mới, CNTT sẽ trở thành một mắt xích quan trọng trong kế hoạch phát triển của họ. Đặc biệt, chính quyền các thành phố lớn chi nhiều hơn vào các dự án thành phố thông minh (smart city), mang lại nhiều lợi ích độc đáo cho người dân.
Xu hướng nâng cấp cơ sở hạ tầng CNTT đang có sự tăng trưởng trên toàn cầu khi những lãnh đạo cấp tiến ứng dụng các công nghệ đã có tên tuổi hay mới nổi. Theo nghiên cứu mới nhất của IDC, mức chi cho các sáng kiến smart city thế giới ước đạt gần 124 tỷ USD trong năm 2020, tăng 18,9% so với năm 2019.
100 thành phố đầu bảng đầu tư vào các sáng kiến smart city năm 2019 đại diện cho khoảng 29% chi tiêu của thế giới. Trong ngắn hạn, tăng trưởng vẫn được duy trì trong số những người chi nhiều nhất. Tuy nhiên, về lâu dài, thị trường sẽ được phân chia giữa các thành phố trung bình và nhỏ hơn.
Năm 2019, khoảng 1/3 các khoản đầu tư là vào cơ sở hạ tầng và năng lượng tái tạo, chủ yếu là lưới điện thông minh. An ninh công cộng dựa vào dữ liệu và vận tải thông minh chiếm khoảng 18% và 14% tổng chi tiêu.
Lưới điện thông minh (kết hợp cả ga và điện) vẫn thu hút tỉ lệ đầu tư lớn nhất, mặc dù tầm quan trọng của chúng đang giảm theo thời gian do thị trường bão hòa và các lĩnh vực khác trở nên phổ thông.
Theo IDC, các công nghệ sẽ chứng kiến tăng trưởng chi tiêu nhanh nhất trong 5 năm tới là kết nối xe hơi với mọi thứ (V2X), bản sao số (digital twin), thiết bị đeo văn phòng.
Singapore tiếp tục là nhà đầu tư giải pháp smart city lớn nhất. Tokyo đứng thứ hai về chi tiêu trong năm 2020, tiếp đó là New York và Luân Đôn. Mỗi thành phố có thể chi hơn 1 tỷ USD cho smart city.
Xét theo khu vực, Mỹ, Tây Âu và Trung Quốc cùng nhau chiếm hơn 70% chi tiêu cho smart city trên toàn cầu. Các chuyên gia IDC tin nhiều lãnh đạo thế giới sẽ đưa smart city vào ngân sách hay tài trợ thông qua các công cụ truyền thống.
Trong tương lai, sẽ có nhiều khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng CNTT tập trung vào ứng dụng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo kết hợp với vạn vật kết nối và công nghệ 5G.