Thời gian qua, huyện Ia H’Drai tập trung triển khai nhiều giải pháp phù hợp để tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương.
Triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện đã tập trung đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu như các tuyến đường giao thông nông thôn, trường học … tăng cường hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị và đào tạo nghề cho lao động nông thôn, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, gắn với việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, từ đó tăng diện tích, số lượng, năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi trên địa bàn, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhân dân, tiến tới phá thế độc canh cây cao su, đáp ứng yêu cầu phát triển của huyện và bảo đảm an ninh lương thực.
Các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội cũng được huyện triển khai đồng bộ. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 54,6%, tỷ lệ lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên ở khu vực nông thôn đạt 78%; các xã duy trì bền vững kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập trung học cơ sở, 100% số xã đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Trên 97% người dân tham gia bảo hiểm y tế, công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế được triển khai có hiệu quả, đảm bảo chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.
Nhờ triển khai xây dựng nông thôn mới, các công trình giao thông, thủy lợi trọng điểm và các tuyến đường liên thôn, xã, đường vào khu sản xuất… được ưu tiên đầu tư, góp phần thay đổi diện mạo Ia H’Drai.
Huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum giáp biên với các huyện Đun Mia và Tà Veng tỉnh Rattanakiri (Campuchia). Hiện tại, huyện có 3 xã là Ia Dom, Ia Đal và Ia Tơi.
Nhờ triển khai xây dựng nông thôn mới, các công trình giao thông, thủy lợi trọng điểm và các tuyến đường liên thôn, xã, đường vào khu sản xuất… được ưu tiên đầu tư, góp phần thay đổi diện mạo địa phương. Cùng với đó, các công trình thủy lợi, khai hoang đồng ruộng cũng đã góp phần phá thế độc canh cây cao su nơi đây.
Đến nay, tổng diện tích gieo trồng toàn huyện đạt gần 28.000 ha, tổng đàn gia súc tăng mạnh. Các diện tích ao hồ, nuôi trồng thủy sản được người dân tận dụng tối đa để tăng gia phát triển kinh tế với các loại cá có giá trị kinh tế như cá lăng, cá chình bông… với sản lượng thủy sản đạt hơn 200 tấn.
Theo số liệu thống kê, huyện Ia H’Drai nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định 20 chỉ tiêu huyện cần đạt được trong thời gian tới như tổng thu ngân sách nhà nước đạt 110 tỷ đồng; dân số khoảng 22 ngàn người; tỷ lệ hộ nghèo dưới 10%; phấn đấu huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Tới nay, trên địa bàn huyện Ia H’Drai có 2 xã đạt 9 tiêu chí là xã Ia Tơi và xã Ia Đal, 1 xã đạt 7 tiêu chí là xã Ia Dom. Riêng năm 2020, huyện Ia H’Drai đề ra mục tiêu tiếp tục giữ vững các tiêu chí đạt được và phấn đấu mỗi xã đạt thêm từ 1 đến 2 tiêu chí.
Tiềm năng và lợi thế ở Ia H’Drai đang được chính quyền, doanh nghiệp và người dân khơi dậy để mang lại sức sống mới nơi đây. Tuy nhiên, thách thức vẫn còn nhiều với Ia H’Drai.
Trong thời gian tới, huyện Ia H’Drai sẽ tiếp tục phấn đấu xây dựng huyện ngày một vững mạnh; tiếp tục củng cố niềm tin của nhân dân và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc. Chính quyền kêu gọi doanh nghiệp nghiên cứu chế biến sâu mủ cao su để nâng cao hiệu quả trong trồng trọt, góp phần tăng thu cho doanh nghiệp, người lao động. Song với tiềm năng và thế mạnh của mình, huyện Ia H’Drai chắc chắn sẽ phát triển bền vững và trở thành huyện kiểu mẫu vùng biên giới vào cuối nhiệm kỳ này.
Thanh Hùng