Trên thế giới, số lượng thai phụ suy thận giai đoạn cuối sinh con rất ít, tại Việt Nam, duy chỉ có vài trường hợp, được xếp vào nhóm cực kỳ hy hữu.
Mới nhất là trường hợp thai phụ Bùi Thị O., 31 tuổi ở Kim Bôi, Hoà Bình. Chị O. từng có tiền sử viêm cầu thận mạn từ năm 6 tuổi, đã được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương nhưng không sau đó ngừng thuốc, về nhà tự uống thuốc nam và cũng không tái khám định kỳ.
Năm 25 tuổi, chị O. lấy chồng rồi sinh con gái đầu lòng. Tháng 7 vừa qua, khi mang bầu bé thứ 2 được 27 tuần, chị thường xuyên thấy mệt mỏi nhiều, buồn nôn, ăn uống kém, khi đi khám mới biết bị suy thận mạn giai đoạn cuối (giai đoạn 5). Bác sĩ yêu cầu chị phải lọc máu chu kỳ tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình để duy trì sức khoẻ.
Bé trai khoẻ mạnh, nhoẻn miệng cười ngày xuất viện
BS Quách Thị Dung, Phó khoa Phụ trách khoa Thận nhân tạo cho biết, với người bình thường có thai khó một thì bệnh nhân suy thận mạn tính lọc máu chu kỳ có thai khó gấp trăm lần và rất khó duy trì được thai nghén đến khi đủ tuổi thai. Bởi lẽ, với bệnh nhân suy thận, các độc tố trong máu thường cao nên thai nhi khó có thể phát triển bình thường.
Để đảm bảo sức khỏe của mẹ và thai nhi, lọc máu sẽ được thực hiện với một quy trình đặc biệt và có sự kết hợp theo dõi với nhiều chuyên khoa.
Theo đó, bác sĩ quyết định điều chỉnh tăng số lần lọc máu từ 3 buổi lên 6 buổi/tuần để đảm bảo thải độc tốt hơn.
Mỗi lần lọc phải sử dụng quả lọc, dây máu quả lọc mới thay vì được dùng lại như các bệnh nhân chu kỳ khác. Đồng thời chị Oanh phải dùng thêm các thuốc thiếu máu, điều chỉnh tăng huyết áp, chống suy dinh dưỡng, điều trị rối loạn chuyển hóa canxi – phospho, dự phòng tiền sản giật, thúc đẩy sự phát triển của phổi thai nhi để vừa hỗ trợ điều trị tốt vừa không ảnh hưởng đến thai nhi.
Do bảo hiểm y tế chỉ chi trả một phần nên mỗi tháng gia đình chị O. phải đóng thêm tới 15 triệu đồng, đây là số tiền rất lớn với gia đình chị. Vì vậy các bác sĩ trong khoa cùng bệnh viện đã kêu gọi các nhà hảo tâm giúp bệnh nhân.
Theo BS Dung, 1 tháng theo dõi đặc biệt cho chị O. là một tháng cả khoa căng thẳng, làm sao để giảm thấp nhất rủi ro, cố gắng để thai nhi lớn thêm được ngày nào tốt ngày đó.
Sau 5 tuần chạy thận theo quy trình đặc biệt, chị O. được chuyển về Bệnh viện Bạch Mai điều trị tiếp – nơi từng hỗ trợ cho 3 trường hợp suy thận mạn sinh con.
Ở tuần thứ 33, chị được chỉ định kết thúc thai kỳ để đảm bảo sức khỏe cho cả hai mẹ con.
Ngày 7/9/, bé trai chào đời trong niềm vui mừng của tất cả gia đình, các y bác sĩ 2 bệnh viện. Đến nay, sức khỏe của bé tiến triển tốt, nặng 2,3kg và đã được xuất viện về với bố mẹ ngày 23/9.
Theo chương trình nghiên cứu đa Trung tâm của châu Âu, trong hơn 10 năm, tại một số quốc gia như Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Anh... chỉ ghi nhận 23 trường hợp có thai trong khi chạy thận nhân tạo. Trong số này, chỉ có 52% trẻ được sinh ra và sống bình thường.
BS Dung khuyến cáo, những phụ nữ suy thận mạn tính cần phải biết được những rủi ro đối với chức năng thận của người mẹ, sự ảnh hưởng tới thai nhi khi mang thai và phải được theo dõi bởi các bác sĩ chuyên khoa để duy trì quá trình thai nghén an toàn cho cả mẹ và con.
Thúy Hạnh
Kỳ tích: Cô gái chạy thận 7 năm vỡ oà đón con đầu lòng
Ròng rã chạy thận chu kỳ hơn 7 năm, chưa bao giờ chị Mơ nghĩ mình có thể làm mẹ nhưng kỳ tích đã đến với chị.