Tính đến thời điểm này thì mì gói (hay mì ăn liền) là một món ăn chưa bao giờ hết “hot” ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Món này sở hữu quá nhiều ưu điểm như tiện lợi, thơm ngon và giá rẻ, mỗi tội chả bổ béo gì. Nhiều người thậm chí còn cho rằng mì gói tiềm ẩn nhiều nguy cơ độc hại, dễ rước bệnh vào người và nên hạn chế tối đa. Thế nhưng liệu quan niệm này có thật sự đúng đắn? Hãy để cụ ông Nhật Bản Momofuku Ando - người đã có 60 năm kinh nghiệm ăn mì gói trừ bữa đưa ra câu trả lời.
Cụ ông này không hề xa lạ gì mà chính là “cha đẻ” của món mì gói, đồng thời là nhà sáng lập của hãng mì trứ danh Nissin. Ông cũng là người đã nghĩ ra sản phẩm mì ly huyền thoại. Năm 48 tuổi, ông Ando đã thành công trong việc tạo ra mì ăn liền với mục đích bảo quản lâu ngày mà không bị hỏng. Kể từ đó, ông và mì ăn liền đã trở thành đôi bạn hiền sớm tối có nhau, mỗi ngày đều phải làm một gói.
Được cái mì là “của nhà trồng được” nên ông có thể ăn thoải mái mà không sợ đau ví, lại có đủ hương vị khác nhau để chọn lựa cho đỡ ngán. Cứ thế, ông Ando ăn nữa, ăn mãi cho tới khi qua đời vào năm 2007. Tính sơ sơ thì ông thọ tới 97 tuổi, dù suốt 60 năm ngày nào cũng úp mì ăn liền.
Vẫn biết người Nhật vốn sống lâu, hàng Nhật vốn xịn nhưng mì ăn liền thì ở đâu cũng giống nhau mà thôi, cũng phụ gia, mắm muối, dầu mỡ. Ấy thế mà ông Ando vẫn thọ gần trăm tuổi thì chứng tỏ mì ăn liền cũng không độc hại như nhiều người nghĩ. Quan trọng là tần suất ăn không nên quá thường xuyên. Ông Ando đúng là ăn mì trừ bữa thật nhưng chỉ một bữa/ngày mà thôi. Hai bữa còn lại vẫn rau thịt ê hề. Chưa kể nếu cho thêm trứng, thịt, rau vào bát mì thì cũng không sợ mất cân bằng dinh dưỡng.
Ngoài ra thì mì Nhật cũng ít muối và dầu hơn một chút so với hầu hết ở quốc gia khác, vì vậy, chớ vội học theo kẻo rước họa vào thân.
Theo GenK