Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển Kinh tế - Xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 - 2025" (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều giải pháp phát triển kinh tế gắn với nâng cao đời sống, sức khỏe của người dân.
Trong đó, Tiểu dự án 2 trong Dự án 9 đã được địa phương quan tâm triển khai, phấn đấu đến năm 2025 ngăn chặn, hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS&MN.
Hệ lụy từ tảo hôn
Huyện biên giới Mường Lát là huyện nghèo nhất của tỉnh Thanh Hóa với 95% dân số là đồng bào DTTS (Mông, Thái, Mường, Dao, Khơ Mú). Trong cộng đồng DTTS còn nhiều hủ tục lạc hậu ảnh hưởng đến đời sống của người dân như nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Em H.T.Nính (18 tuổi, trú tại xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, Thanh Hóa) kết hôn được 4 năm và đã là mẹ của 2 con. Nính không có việc làm, chỉ ở nhà chăm hai con nhỏ, chồng Nính đi làm xa nhưng cũng không có tiền gửi về phụ vợ, cuộc sống vô cùng khó khăn, Nính đã hối hận vì đã lấy chồng sớm.
Em T.T.Dua (16 tuổi, xã Trung Lý, huyện Mường Lát) kết hôn từ 2 năm trước. Hai vợ chồng Dua hiện tại sống trong điều kiện "3 không": không tiền, không việc làm, không đất sản xuất. Hai vợ chồng phụ với bố mẹ làm nương, mỗi năm thu hoạch được 5-6 tạ thóc. Dua không biết chữ, không hiểu biết về các quy định của Luật Hôn nhân gia đình nên lấy chồng ở tuổi 14.
Hủ tục tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống không chỉ vi phạm pháp luật mà còn để lại nhiều hệ luỵ đối với cá nhân, gia đình và xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực, dân số, việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Nguyên nhân chủ yếu do đồng bào DTTS còn thiếu điều kiện tiếp cận thông tin, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật còn hạn chế, chưa hiểu hết những hệ lụy hành động này.
Nỗ lực truyền thông thay đổi nhận thức
Thời gian qua, các chính quyền địa phương đã nỗ lực cùng các cấp ủy Đảng tuyên truyền tới cộng đồng đẩy lùi nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Từ năm 2022, huyện Mường Lát chọn xã Nhi Sơn thành lập mô hình ngăn chặn kết hôn cận huyết thống, tảo hôn, xây dựng các câu lạc bộ tại thôn, bản để tăng cường tuyên truyền tới từng gia đình. Đến nay, tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết trong xã đã giảm. Năm 2022 cả xã ghi nhận 7 trường hợp tảo hôn, năm 2023 chỉ có 3 trường hợp, không còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống.
Thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số trong giai đoạn 2021-2025" của tỉnh Thanh Hóa, xã Nhi Sơn đã tăng cường tuyên truyền trực tiếp tới người dân về tác hại của vấn nạn này thông qua các hội nghị thôn, bản. Từ đó, người dân đã thay đổi nhận thức, hiểu biết hơn về pháp luật. Nếu có trường hợp cố tình vi phạm sẽ có các biện pháp răn đe.
Nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết, phòng Dân tộc huyện Mường Lát còn phối hợp với các lực lượng công an, bộ đội biên phòng, người có uy tín, già làng, trưởng bản tuyên truyền về Luật hôn nhân gia đình, đặc biệt là tại các bản có nguy cơ tảo hôn cao.
Ngoài ra, các phòng chức năng phối hợp với nhà trường tuyên truyền cho học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông về tảo hôn, kết hôn cận huyết qua các buổi sinh hoạt ngoài giờ. Từ năm 2023 đến nay, các trường tổ chức hàng chục cuộc tuyên truyền dành cho học sinh.
Các hình thức tuyên truyền khác như phát sổ tay tuyên truyền cho các bí thư chi bộ/trưởng bản, khu phố và trên 2.000 tờ rơi về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Toàn huyện, các đơn vị đã lắp đặt 8 pano, băng rôn tuyên truyền về nói không với vấn nạn này.
Nhờ đó, tổng số các cặp tảo hôn đã giảm rõ rệt. Năm 2021, toàn huyện ghi nhận 105 cặp tảo hôn, chiếm tỷ lệ 19,2%; 1 cặp kết hôn cận huyết thống. Năm 2022 giảm còn 86 cặp, không có hôn nhân cận huyết thống. Năm 2023, Mường Lát chỉ còn 50 cặp tảo hôn và không có cặp kết hôn cận huyết thống.
Thời gian tới, địa phương tiếp tục tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động trực tiếp thông qua các hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật; các hoạt động tư vấn, trợ giúp pháp lý miễn phí tại cộng đồng và lưu động tại thôn/bản.