Những năm gần đây, ngành chăn nuôi của huyện Tiền Hải (Thái Bình) đã có bước chuyển biến tích cực, phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Trong đó, đẩy mạnh chăn nuôi lợn áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học và ứng dụng công nghệ xử lý môi trường trong chăn nuôi, qua đó đã từng bước hình thành theo chuỗi liên kết sản xuất hàng hóa, góp phần đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người chăn nuôi.

Theo số liệu thống kê, hiện huyện có đàn trâu, bò, dê 4.520 con; đàn lợn trên 40.000 con.

{keywords}
Phòng, chống dịch bệnh là yếu tố quan trọng trong chăn nuôi. 

Xác định phòng, chống dịch bệnh là yếu tố quan trọng giữ vững hiệu quả trong chăn nuôi, thời gian qua, ngành chăn nuôi huyện Tiền Hải đã triển khai tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi. Đồng thời tổ chức các biện pháp tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi nhằm không để xảy ra dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

Hiện nay, thời tiết giai đoạn giao mùa là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát sinh, lây lan trên đàn vật nuôi. Trạm Chăn nuôi và Thú y đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo các địa phương tập trung rà soát, thống kê lại tổng đàn gia súc ở các hộ, trang trại, gia trại trong diện tiêm phòng.

Tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở cách phòng, chống dịch bệnh trên động vật để người dân biết chủ động hợp tác và thực hiện… Cử cán bộ chuyên môn kiểm tra, giám sát quá trình tiêm phòng, bảo đảm các đợt tiêm phòng đại trà diễn ra nhanh gọn, tập trung, đạt tỷ lệ tiêm phòng cao và đúng quy định.

Sau khi tiêm phòng, lấy mẫu huyết thanh gia súc đã tiêm phòng vắc xin để đánh giá hiệu quả công tác tiêm phòng tại các địa phương. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển gia súc, gia cầm vào địa bàn. Đặc biệt khi người chăn nuôi tái đàn, phải tiến hành tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ, kịp thời. 

Xã Nam Trung có đàn lợn trên 1.000 con trâu, 202 con bò. Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Để chủ động phòng dịch bệnh động vật, vã tăng cường khuyến cáo bà con nông dân tiêm phòng vắc xin cho gia súc nhằm hạn chế thiệt hại trong chăn nuôi. 

Bà Nguyễn Thị Thoa đang nuôi 30 con lợn, trong đó có 5 con lợn sinh sản và 23 con lợn thịt. Dự kiến 25 con lợn thịt sẽ xuất chuồng vào dịp cuối năm. Đây là “tài sản” lớn nên gia đình bà luôn coi trọng công tác phòng bệnh bằng nhiều biện pháp như tiêm vắc xin, vệ sinh sạch sẽ khu vực chăn nuôi... 

Thời điểm giao mùa việc tiêm phòng được tăng cường bởi đây là lúc các bệnh lở mồm long móng, bệnh dịch tả lợn châu Phi dễ bùng phát.

Ông Vương Quốc Chinh, xã Nam Trung cho biết: Khi địa phương tuyên truyền về thời điểm tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc thu đông, tôi đã đăng ký với Ban Chăn nuôi và Thú y xã bố trí thời gian để tiêm phòng cho đàn lợn. Ngoài ra, tôi thường xuyên rắc vôi bột vệ sinh chuồng trại, phun thuốc khử trùng để đàn vật nuôi khỏe mạnh, tránh được dịch bệnh. Nhờ thực hiện tốt khâu phòng, chống dịch nên trong năm qua dịch bệnh không làm ảnh hưởng đến đàn vật nuôi của gia đình.

Đến nay, Tiền Hải đã triển khai đồng bộ công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi, trong đó, bệnh dịch tả lợn tiêm 14.500 liều; tụ dấu 5.520 liều; phó thương hàn 7.760 liều; lở mồm long móng 6.300 liều; tụ huyết trùng trâu, bò 910 liều; bệnh dại 410 liều; viêm da nổi cục 825 liều.

Tại địa bàn giáp ranh với huyện, thị và tỉnh khác, lực lượng thú y và các ngành liên quan triển khai các hoạt động kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y khâu giết mổ, vận chuyển, khuyến cáo chủ cơ sở phải tiêu độc hàng ngày. Quản lý chặt chẽ công tác tái đàn khi chủ cơ sở chăn nuôi bảo đảm điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học.

Hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi thực hiện nghiêm các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, các biện pháp vệ sinh phòng bệnh theo hướng dẫn của ngành chuyên môn.

Thu Hiền