- Mặc dù có từ thời Liên Xô song chiếc An-225 Mirya lại đang được Ukraine tiếp quản. Cho tới nay, An-225 Mirya từ thời Xô Viết vẫn là chiếc máy bay vận tải lớn nhất thế giới. Nga đã nhiều lần khát khao được sở hữu một chiếc máy bay tương tự như không thành.
Chim sắt khổng lồ
Nếu như những chiếc máy bay được ví như cánh chim thì An-225 Mirya phải so sánh với những chú đại bàng. Tờ Businessweek mô tả chiếc máy bay này dài gần ngang ngửa một sân bóng đá, tiếp đất bằng 32 bánh và nắm giữ đến 240 kỷ lục thế giới, trong đó có khả năng vận chuyển hàng hóa nặng nhất, và có trọng tải lên đến 190 tấn.
An-225 có chiều dài 84 mét, sải cánh 88,4 mét, cao 18,1 mét, trọng lượng rỗng 285 tấn, trọng lượng cất cánh tối đa 640 tấn. Máy bay cất cánh nhờ hệ thống động lực 6 động cơ phản lực D-18, cung cấp lực đẩy 229,5 kN/động cơ. Tốc độ tối đa của máy bay là 850 km/h, tốc độ hành trình 800 km/h.
Chiếc máy bay có chiều dài bằng nửa chiếc sân vận động |
Chiếc máy bay do phòng thiết kế Antonov, Liên Xô, chế tạo vào những năm 80 thế kỷ trước. Mirya trong tiếng Ukraine có nghĩa là “Giấc mơ”. So với Airbus A380, chiếc máy bay này dài hơn 11m và cánh dài hơn 9m. Sải cánh của An-225 chỉ đứng sau Hughes H-4 Hercules, tuy nhiên, Hughes H-4 chỉ bay một lần duy nhất vào năm 1947.
Nhiên liệu của An-225 được phân bố trong 13 thùng chứa trong các cánh. Với tổng khối lượng nhiên liệu lên đến 365 tấn, nó có thể bay liên tục 18 tiếng với quãng đường hơn 1.000 km.
Khoang hàng của máy bay này có chiều dài 43m; chiều rộng 6,4m; chiều cao 4,4m, vận chuyển được nhiều loại hàng hóa khác nhau. Bên trong có thể bố trí 16 container tiêu chuẩn hoặc 80 xe ôtô, thậm chí cả xe tải nặng.
Mục tiêu ban đầu của An-225 là để chở tàu con thoi |
Khoang hành khách được chia làm 2 phần: khoang đầu dành cho phi hành đoàn, phía sau dùng cho những người vận chuyển và phục vụ. Ngoài ra, chiếc máy bay này còn có phòng dành cho chế biến thức ăn, phòng họp.
Do có kích thước và tải trọng quá khổ, nó cần đường băng dài tới 3.500 m khi cất cánh với tải trọng tối đa. Hiện nay, các sân bay không có bãi đỗ cho loại máy bay lớn như An-225. Vì vậy, nó phải đậu ngay trên sân băng.
Đứng đầu nhiều kỷ lục
Chiếc phi cơ vận tải này lần đầu ra mắt công chúng ở Triển lãm hàng không Paris năm 1989. Tại đây, nó thiết lập kỷ lục là chiếc máy bay vận tải lớn nhất với trọng lượng cất cánh lên đến 640 tấn.
Ngày 21/12/1988, An-225 Mriya thực hiện chuyến bay đầu tiên, kéo dài 74 phút xuất phát từ thành phố Kiev. Đích ngắm ban đầu của nó là chương trình vũ trụ "Energia - Buran". Trong đó, Mriya sẽ dùng để chở tàu con thoi Buran ra bệ phóng cũng như chở hệ thống tên lửa đẩy. Ngày 12/5/1989, lần đầu tiên chiếc máy bay đã thực hiện bay thành công, mang theo tàu con thoi. Với An-225 Mriya, không quân Liên Xô có thể chuyên chở những hàng hóa quân sự quá khổ, quá tải đến các chiến trường xa.
So sánh với những chiếc máy bay khác, Mriya giữ nhiều kỷ lục |
Vào những năm 1990, dòng máy bay này đã thiết lập kỷ lục tuyệt đối khi chở tới gần 254 tấn hàng, bay với vận tốc 850 km/giờ. Với các hãng hàng không dân dụng thì đây là niềm mơ ước. Mriya có thể dễ dàng chở 50 chiếc xe ô tô hạng nhẹ, hoặc một chiếc xe Ben loại nặng 240 tấn.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, An-225 thuộc quyền sở hữu của Ukraine. Nhưng phải tới năm 2002, nó mới thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên, chuyển 216.000 suất ăn có tổng trọng lượng 187,5 tấn từ Đức sang Oman, một quốc gia Trung Đông cho lính Mỹ đóng quân ở đó.
Antonov cũng đã chuyên chở vật tư và thiết bị cứu trợ đến các vùng động đất ở Haiti và Nhật Bản. Ngoài ra, nó còn chuyên được dùng để chở các máy phát điện, tuốc-bin gió và đầu máy tàu hỏa.
Cuối thập niên 1980, một chiếc An-225 thứ hai được chế tạo. Nhưng sau khi Liên Xô tan rã năm 1990, kế hoạch này bị hủy bỏ. Không chỉ Nga, mà hiện thế giới cũng rất quan tâm đến loại máy bay vận tải siêu nặng này. Gần đây, Nga từng có kế hoạch sẽ tiếp tục hoàn thiện phiên bản thứ hai của chiếc An-225 Mriya.
Bên trong khoang chứa hàng của máy bay |
Vận chuyển hàng hóa của chiếc máy bay |
Nó có thể chở cả một chiếc tàu điện |
Ô tô loại lớn |
Chủ tịch Tổ hợp Antonov Dmitrir Kiv cho biết, để hoàn thiện chiếc An-225 thứ hai phải cần tới 100 triệu USD, trong đó 25 triệu USD là để dành mua động cơ mới. Chi phí cao để hoàn tất chiếc máy bay cho thấy việc sản xuất hàng loạt là rất khó khăn.
Tới nay, chỉ còn duy nhất một chiếc An-225 do hãng vận tải hàng không Antonov, Ukraine quản lý là đang hoạt động.
Nam Hải