Huyện Tân Phước được thành lập theo Nghị định số 68 ngày 11.7.1994 của Chính Phủ, trên cơ sở tách ra từ phần đất của huyện Cai Lậy, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang và một phần đất của tỉnh Long An với diện tích tự nhiên hơn 32.990ha, 42.000 nhân khẩu gồm 13 đơn vị hành chính. 

Trước đây, Tân Phước là vùng đất hoang sơ, phèn chua bao trùm được tách ra từ phần đất của huyện Cai Lậy, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang và một phần đất của tỉnh Long An. Thủa ấy, dưới kênh chỉ có vài loài cá đặc trưng như: cá lia thia, bảy trầu; trên mặt đất toàn cây tràm, cây năng, cây bàng mọc um tùm…

Qua 30 năm khai hoang, cải tạo vùng đất này đã từng bước đổi thay. Sản xuất nông nghiệp đã góp phần rất lớn làm thay đổi diện mạo nơi đây mà chủ lực vẫn là cây khóm, cây lúa. Vùng chuyên canh cây khóm của Tân Phước lên tới hơn 17.000ha và phần còn lại là lúa 6.200ha. 

W-caydua.png
Vùng trồng dứa được đầu tư công nghệ tưới hiện đại

Cùng các địa phương khác, Tân Phước tích cực triển khai xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, vùng đất phèn năm xưa ngày thêm trù phú, khang trang.

Để nâng cao hiệu quả cây trồng đặc hữu vùng Đồng Tháp Mười, huyện Tân Phước, chú trọng chuyển giao khoa học kỹ thuật, phục tráng giống dứa, đưa thêm những giống mới như giống dứa MĐ 2 có nhiều ưu điểm vượt trội vào sản xuất nhằm tăng năng suất, sản lượng và chất lượng nông sản hàng hóa. 

Từ đầu năm đến nay, huyện Tân Phước đã tổ chức 134 cuộc chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp cho trên 3.200 lượt nông dân các vùng chuyên canh; chủ yếu hướng dẫn bà con về kỹ thuật thâm canh, tuyển chọn giống tốt, cải tạo và trẻ hóa vườn dứa, xử lý cho trái rải vụ để có sản phẩm thu hoạch quanh năm,...

Giai đoạn từ 2020 - 2025,Tân Phước được đầu tư 162 hạng mục, công trình với tổng nguồn vốn khoảng 500 tỉ đồng. Về giao thông, tập trung đầu tư xây dựng, phát triển đồng bộ hệ thống giao thông nội huyện, kết nối hệ thống đường tỉnh qua địa bàn với tổng chiều dài hơn 1.300km (bao gồm đường tỉnh, đường huyện và đường giao thông nông thôn), hầu hết được đầu tư trải nhựa hoặc bê tông hóa đáp ứng vận tải hàng hóa lớn. Hệ thống công trình thủy lợi tiếp tục được hoàn thiện, nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai, bảo vệ an toàn sản xuất.

Đến nay, huyện đã đầu tư củng cố, nâng cấp 134 ô bao, xử lý, gia cố 718,9km đê, nâng công suất 172 trạm bơm điện với 293 máy bơm; xây dựng 190 cống các loại, thông dòng chảy hệ thống kênh các cấp (I, II, III) với tổng chiều dài khoảng 688km và hơn 1.100km kênh nội đồng. Riêng lưới điện hạ thế phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân: tỷ lệ hộ có điện sử dụng đạt 100%, chất lượng cung cấp điện cho sản xuất, sinh hoạt ngày càng tốt hơn.

Hạ tầng được củng cố, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng khu vực phi nông nghiệp, giảm dần tỷ trọng khu vực nông nghiệp. Giai đoạn 2.000 - 2005 tăng trưởng kinh tế bình quân 8,68%/năm; giai đoạn 2005 - 2010 bình quân tăng 16%/năm; giai đoạn 2010 - 2015 bình quân tăng hơn 15%; giai đoạn 2015 - 2020 bình quân tăng hơn 17%. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 21,84 triệu đồng/người/năm vào năm 2011 nay tăng lên 64,34 triệu đồng/người/năm (tăng 42,5 triệu đồng so với năm 2011). Tỷ lệ hộ sử dụng điện, nước hợp vệ sinh trong sinh hoạt đạt 100%; giải quyết việc làm cho 40.000 lao động, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 1,59%.

Những thành quả trên là nhân tố giúp 100% số xã trong huyện đạt chuẩn nông thôn mới và huyện Tân Phước phấn đấu đạt chuẩn, ra mắt huyện nông thôn mới vào dịp kỷ niệm 30 năm thành lập huyện vào cuối tháng 8/2024.