Thời điểm giao mùa, thời tiết trên địa bàn huyện Tam Đường (Lai Châu) diễn biến phức tạp khiến sức đề kháng của đàn vật nuôi giảm sút.

Đây chính là điều kiện thuận lợi để mầm bệnh phát triển, đặc biệt là bệnh lở mồm long móng.

Theo phòng chuyên môn huyện Tam Đường, bệnh ở mồm long móng do virus gây nên. Bệnh lây trực tiếp do nhốt chung con bệnh với con khỏe hoặc có thể lây gián tiếp qua người chăm sóc, phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi, chất thải chăn nuôi, môi trường…

{keywords}
Ảnh minh họa. 

Ở trâu, bò: Ủ bệnh từ 2 – 5 ngày, có thể kéo dài đến 21 ngày. Trâu, bò mắc bệnh, trong 2, 3 ngày đầu sốt cao trên 400 C, kém ăn hoặc bỏ ăn, miệng chảy nhiều dãi và bọt trắng; viêm dạng mụn nước ở lợi, lưỡi, vành mũi, vành móng, kẽ móng, đầu vú. Khi mụn nước vỡ ra làm lở loét mồm và dễ làm long móng.

Ở lợn: Ủ bệnh 2 – 4 ngày, có thể kéo dài đến 21 ngày. Lợn sốt cao liên tục trên 400 C, chảy dãi, xuất hiện những mụn nước ở vùng quanh móng chân, bàn chân, kẽ móng. Các mụn này phát triển thành mảng lớn, vỡ ra, tạo vết loét…

Cơ quan thú y huyện Tam Đường đã đề ra nhiều giải pháp nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc và nâng cao nhận thức cho người nông dân trong việc bảo vệ đàn gia súc của mình.

Ông Nguyễn Hồng Sơn – Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Đường (NN&PTNT) cho biết, những năm qua huyện Tam Đường đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa, đến nay toàn huyện có trên 28.400 con gia súc, 156.500 con gia cầm.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhất là vào thời điểm giao mùa, phòng phối hợp với UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi hiểu đúng, hiểu rõ về tình hình dịch bệnh.

Thường xuyên theo dõi, kiểm tra sức khỏe đàn gia súc, chủ động thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, biết cách nhận biết để sớm phát hiện, khai báo tình hình dịch bệnh và có phương án chữa trị kịp thời.

Cùng với đó, vận động người dân thực hiện tốt việc đảm bảo vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, chủ động tiêm phòng vắc-xin, đặc biệt là quan tâm chế độ chăm sóc và nuôi dưỡng vật nuôi. Huyện tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi trồng cỏ, tận dụng phụ phẩm từ nông nghiệp để dự trữ và ủ chua làm thức ăn. Đến nay, đàn vật nuôi của huyện sinh trưởng, phát triển tốt, không bị dịch bệnh.

Huyện cũng triển khai thực hiện Tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường và tiêm phòng 37.600 liều vắc-xin định kỳ đợt 1 năm 2021; tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật và các sản phẩm của động vật; kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm soát giết mổ trên địa bàn; phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng vận chuyển, tập kết, buôn bán động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa qua kiểm dịch thú y.

Đối với UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về nguy cơ, tác hại và các biện pháp phòng, chống bệnh viêm da nổi cục, đồng thời hướng dẫn người chăn nuôi chủ động giám sát, kịp thời phát hiện các trường hợp gia súc có biểu hiện của bệnh, nghi bị bệnh báo cáo chính quyền địa phương, cơ quan thú y.

Từ đầu năm 2021 đến nay, tuy Lai Châu chưa có ổ dịch nào nhưng các cấp chính quyền luôn chủ động tâm thế, sẵn sàng các phương án xử lý nếu dịch xâm nhập. 

Mạnh Hưng