Huyện Tam Đường coi chăn nuôi lợn là hướng phát triển kinh tế mũi nhọn. Vì thế, huyện đã triển khai nhiều giải pháp tái đàn lợn. Giai đoạn cuối năm 2020, đầu năm 2021 các dịch bệnh trên gia súc bùng phát tại một số tỉnh, thành trong cả nước như: Lở mồm long móng, viêm da nổi cục.
Huyện Tam Đường (Lai Châu) đã chỉ đạo các xã, thị trấn trên địa bàn đồng loạt tiến hành phun tiêu độc khử trùng khu vực chuồng trại chăn nuôi, xử lý bể chứa chất thải để tiêu diệt mầm mống dịch bệnh.
Đặc biệt, huyện chỉ đạo việc tái đàn có kiểm soát, đặt tiêu chí an toàn lên hàng đầu, chỉ cho phép tái đàn tại các cơ sở chăn nuôi chưa bị bệnh hoặc bị dịch nhưng đã qua 30 ngày không tái phát. Tuy nhiên, các cơ sở tái đàn phải đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học theo quy định.
Ông Nguyễn Hồng Quân - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tam Đường cho biết, phòng Nông nghiệp chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, giám sát tình hình chăn nuôi ở các xã, thị trấn; thực hiện nghiêm quy định, điều kiện về tái đàn lợn.
UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi rắc vôi bột, tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tiêm vaccine, thực hiện các biện pháp chăn nuôi lợn an toàn sinh học.
Đặc biệt, kiên quyết không thực hiện tái đàn một cách ồ ạt, chỉ thực hiện tái đàn khi đảm bảo các điều kiện an toàn dịch bệnh, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học”.Cơ quan chuyên môn huyện thường xuyên hướng dẫn, giám sát, thẩm định công tác tái đàn lợn trên địa bàn huyện; hướng dẫn các chủ trang trại, hộ gia đình, cơ sở chăn nuôi áp dụng các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học.
Địa phương vận động các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chuyển dần sang chăn nuôi tập trung bảo đảm an toàn sinh học; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người chăn nuôi đẩy mạnh việc tái đàn lợn.
Khuyến cáo người dân nghiêm túc thực hiện mua giống đảm bảo và được kiểm dịch, không mua giống trôi nổi trên thị trường; chủ động các biện pháp an toàn chuồng trại, điều kiện vệ sinh phòng dịch; kê khai tái đàn theo quy định của Nhà nước.
Các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển lợn từ các địa phương nhằm ngăn chặn, kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm theo quy định.
Ông Hoàng Văn Phưởng - Chủ tịch UBND xã Bình Lư cho biết: “Để thực hiện việc tái đàn lợn hiệu quả, xã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các trang trại, gia trại, cơ sở chăn nuôi lợn trên địa bàn.
Khi tái đàn lợn phải kê khai, đăng ký với chính quyền và được cơ quan chuyên môn thẩm định về điều kiện đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học; kiên quyết không thực hiện tái đàn nếu không đủ các điều kiện an toàn dịch bệnh.
Đặc biệt, khi các tổ chức, cá nhân nhập lợn để tái đàn không kê khai, đăng ký với chính quyền địa phương nếu để xảy ra dịch bệnh, làm lây lan dịch bệnh sẽ không được hưởng hỗ trợ các chính sách của Nhà nước và chịu các hình thức xử lý theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, chúng tôi tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ đúng điều kiện về tái đàn, không thực hiện ồ ạt.
Anh Chảo A Giàng (bản Gia Khâu, xã Hồ Thầu) chia sẻ: “Để phát triển chăn nuôi lợn, gia đình tôi xây chuồng trại kiên cố, nền chuồng đổ bê tông, tiêm vaccine đầy đủ, phun thuốc tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ”.
Anh cũng thường xuyên tham gia các lớp tập huấn để nâng cao kiến thức, kỹ năng trong chăm sóc, phát triển đàn lợn. Anh lựa chọn con giống có chất lượng từ những cơ sở uy tín, phát triển giống lợn địa phương vì giống lợn này có sức đề kháng tốt, thịt thơm, ngon, bán ra thị trường với giá thành cao.
Theo số liệu thống kê, đến hết tháng 2/2021, tổng đàn lợn của cả huyện là 187.025 con. Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân tái đàn có kiểm soát, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.
Hồng Nhì