Khởi đầu gặp nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cùng sự hỗ trợ của Nhà nước, đến nay, toàn huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đã đạt 251 tiêu chí nông thôn mới, bình quân 17,9 tiêu chí/xã, tăng 19 tiêu chí so với năm 2023; trong đó có 10 xã đạt 19/19 tiêu chí.

Năm 2023, Lương Ninh là xã đầu tiên của huyện Quảng Ninh về đích nông thôn mới nâng cao. Những năm qua, xã tập trung phát huy tối đa mọi nguồn lực, tranh thủ thu hút các nguồn đầu tư, hỗ trợ để cải tạo, chỉnh trang hạ tầng nông thôn, cảnh quan môi trường, phát triển sản xuất, kinh doanh...

Để nâng cao chất lượng, hoàn thiện các tiêu chí còn yếu và thiếu trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, xã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới.

Giai đoạn 2021 - 2024, Lương Ninh đã huy động các nguồn lực trên 68 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới, trong đó nhân dân đóng góp trên 20 tỷ đồng. Toàn xã có 139 hộ tự nguyện hiến 2.633m2 đất, có 8 hộ hiến tài sản trị giá 56 triệu đồng.

Sau khi sáp nhập xã Lương Ninh và thị trấn Quán Hàu thành thị trấn Quán Hàu (mới), địa phương sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình xây dựng và chỉnh trang đô thị văn minh, hiện đại. Xây dựng Đảng bộ, chính quyền mới xứng tầm là trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế của huyện.

aaaaaa.JPG
Sau 13 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn huyện Quảng Ninh đã có nhiều khởi sắc

Cùng với các địa phương trong tỉnh Quảng Bình, huyện Quảng Ninh đang tích cực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao và hiện đã đạt 189 tiêu chí, trung bình 13,5 tiêu chí/xã, tăng 14 tiêu chí so với cuối năm 2023. Trong năm 2024, toàn huyện có 3 xã gồm: Vĩnh Ninh, Hải Ninh và Vạn Ninh phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Ông Trần Đức Thuận, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Ninh cho biết, thời gian qua, nhiều địa phương trên địa bàn huyện đã tập trung nguồn lực xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Nhờ sự nỗ lực, đồng thuận từ chính quyền đến người dân, nhiều làng quê trở thành những khu dân cư kiểu mẫu xanh, sạch, đẹp, góp phần nâng cao chất lượng các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương. 

Đến nay, huyện Quảng Ninh có 15 khu dân cư được công nhận khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. UBND huyện đang chỉ đạo các phòng, đơn vị và UBND các xã hướng dẫn các thôn bổ sung, hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt. Phấn đấu đến cuối năm 2024 có thêm 3 - 5 thôn đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.

Phong trào xây dựng nông thôn mới ở xã đặc biệt khó khăn của huyện cũng được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp quan tâm và nhân dân hưởng ứng tích cực. Toàn huyện có 3 thôn: Long Sơn, Liên Xuân và Hồng Sơn của xã Trường Sơn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới tại xã đặc biệt khó khăn. Trường Sơn cũng là xã duy nhất trong toàn tỉnh Quảng Bình có thôn đạt chuẩn nông thôn mới.

Sau 13 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn huyện Quảng Ninh đã có nhiều khởi sắc. Tỷ lệ hộ nghèo giảm, đời sống nhân dân được cải thiện. Cơ sở hạ tầng thiết yếu đáp ứng nhu cầu cơ bản phát triển kinh tế. Các tiêu chí về giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa có bước phát triển; an ninh trật tự được giữ vững. Cảnh quan, môi trường nông thôn ngày càng được cải thiện theo hướng xanh, sạch, đẹp, góp phần tạo động lực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Từ nay đến cuối năm, huyện chỉ đạo các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 tập trung hoàn thiện các chỉ tiêu để cuối năm đạt chuẩn các tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Các xã: Võ Ninh, Vĩnh Ninh, Hải Ninh, Vạn Ninh khẩn trương hoàn thiện các chỉ tiêu chưa đạt chuẩn để phấn đấu đến cuối năm 2024 có 3 - 4 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao…