UBND huyện Phú Lương (Thái Nguyên) vừa có quyết định hỗ trợ phát triển mô hình nuôi giun quế và gà an toàn sinh học cho 11 hộ dân thuộc các xã: Phủ Lý, Phấn Mễ, Động Đạt, Ôn Lương nhằm khuyến khích người nông dân phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa an toàn, ổn định và bền vững.

Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ giống giun quế sinh khối; giống gà 21 ngày tuổi ở huyện Tiên Yên (Quảng Ninh); cám cho gà từ 1 đến 22 ngày tuổi; tập huấn khoa học kỹ thuật.

{keywords}
Ảnh minh họa. Huy Linh

Đối với các hộ tại xã Phủ Lý (thuộc vùng đặc biệt khó khăn) được hỗ trợ thêm máy hút chân không để đóng gói sản phẩm thịt gà; máy băm nghiền đa năng để phối trộn thức ăn chăn nuôi; máy nghiền cám Inox; thiết kế, in tem nhãn, bao bì sản phẩm; đăng ký mã số, mã vạch.

Tổng số tiền hỗ trợ thực hiện mô hình là 200 triệu đồng, từ nguồn ngân sách địa phương. Trong đó, đối với các hộ tại xã Phủ Lý thì được hỗ trợ kinh phí từ 80 đến 100% (tùy từng hạng mục). Các hộ thuộc những xã còn lại (không thuộc vùng đặc biệt khó khăn) được hỗ trợ 60%.

Nuôi giun quế làm thức ăn an toàn sinh học cho gà giúp chất lượng thịt gà săn chắc, thơm và ngọt hơn nuôi bằng thức ăn thông thường.
Gà nuôi bằng giun quế còn được gọi là “gà quế” hiện là phong trào đang phát triển mạnh trên địa bàn huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực cho nhiều hộ dân nơi đây.
Năm 2016, Trung tâm khuyến nông tỉnh Thái Nguyên từng thí điểm mô hình này tại chính Phú Lương và được đánh giá rất hiệu quả, thay đổi tập quán chăn nuôi truyền thống, bảo vệ gia cầm an toàn trước dịch bệnh.

Các hộ tham gia mô hình được chuyển giao kiến thức khoa học - kỹ thuật về chăn nuôi gà an toàn sinh học từ khâu chọn mua con giống có chất lượng đến việc áp dụng quy trình vệ sinh, tiêu độc sát trùng chuồng trại, chăm sóc, nuôi dưỡng…

Gà nuôi thịt được sử dụng thức ăn bằng giun quế kết hợp với nguyên liệu sẵn có tại địa phương như cám gạo, bột ngô, bột đỗ tương… để nâng cao chất lượng sản phẩm, an toàn và hạ giá thành sản xuất.

Qua khảo sát tại một vài trang trại khác, mô hình đã đạt được kết quả cao, tỷ lệ gà hao hụt ít, trọng lượng xuất chuồng bình quân đạt 2 kg/con, tiêu tốn và chi phí thức ăn thấp…

Việc nuôi giun quế đã giải quyết được vấn đề thức ăn chất lượng cho chăn nuôi gà; trong khi nguồn thức ăn chính cho giun quế lại là các chất thải trong chăn nuôi như phân trâu, bò… và rác thải nông nghiệp.

Chăn nuôi gà an toàn sinh học hạn chế dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho đàn gà cũng như đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân; tạo ra thực phẩm sạch cho người tiêu dùng, nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi.

Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên cũng khuyến khích người dân địa phương phát triển chăn nuôi gà an toàn theo quy mô gia trại, trang trại thành vùng chăn nuôi tập trung; tiến tới xây dựng thương hiệu cho gà quế Phú Lương.

Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, khuyến cáo nhân rộng mô hình nuôi giun quế chăn gà an toàn sinh học trên địa bàn tỉnh; nhằm mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân.

Huy Linh