Tiêm phòng là một trong những biện pháp phòng bệnh tốt nhất cho vật nuôi, ngăn chặn dịch bệnh phát sinh và lây lan, bảo vệ sức khỏe động vật, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ sức khoẻ con người.
Từ đầu năm đến nay, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) triển khai tiêm gần 80.000 liều vắc xin các loại cho đàn vật nuôi. Trong đó, tiêm 10.501 liều vắc xin lở mồm long móng, đạt 50% kế hoạch; 10.548 liều vắc xin tụ huyết trùng, đạt 50,22% kế hoạch; 6.013 liều vắc xin viêm da nổi cục; 9.146 liều vắc xin dịch tả lợn, bằng 50,48% kế hoạch; 1.995 liều vắc xin Lepto, bằng 49,44% kế hoạch; 20.361 liều vắc xin Newcatson, bằng 50,9% kế hoạch; 20.419 liều vắc xin Lasota, bằng 51,05% kế hoạch; 896 liều vắc xin phòng dại, bằng 89,6% kế hoạch.
Nguyên Bình tăng cường tiêm vắc xin cho gia súc. |
Để chủ động phòng chống dịch bệnh động vật trong các tháng cuối năm 2021, UBND huyện chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền để người dân chủ động tiêm phòng cho vật nuôi. Phấn đấu 100% các hộ chăn nuôi thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin, đảm bảo cho đàn vật nuôi phát triển khỏe mạnh, hạn chế và ngăn chặn không để dịch bệnh xảy ra trên địa bàn.
Trong đợt này, các địa phương cũng sẽ tổ chức tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc tập trung chuồng trại, môi trường chăn nuôi, chợ buôn bán động vật, sản phẩm động vật. Huyện đã tiến hành cấp phát 1.250 lít hóa chất, tổ chức phun tiêu độc, khử trùng môi trường được 2.500.000 m2 chuồng chăn nuôi.
Trước chiến dịch tiêm phòng đàn vật nuôi đợt 2/2021, ngành chuyên môn huyện đã chuẩn bị đầy đủ các loại vắc xin, vật tư, hóa chất khử trùng tiêu độc, đảm bảo chất lượng, đúng chủng loại, cấp kịp thời cho các huyện, thành, thị. Đồng thời, hướng dẫn bảo quản, sử dụng, quản lý vật tư, vắc xin tránh thất thoát lãng phí. Trong quá trình triển khai tiêm, cán bộ thú y của tỉnh, huyện đều giám sát tại cơ sở để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh cho gia súc được tiêm phòng xảy ra tai biến.
Những tháng cuối năm, nhiệt độ xuống thấp, sức đề kháng của các loại gia súc yếu, đây cũng là thời điểm hoạt động mua bán, vận chuyển, giết mổ gia súc diễn ra sôi động, nên dịch bệnh rất dễ xảy ra. Người chăn nuôi cần tích cực, chủ động triển khai các biện pháp vệ sinh, phòng dịch, thường xuyên thực hiện vệ sinh khử trùng tiêu độc chuồng trại chăn nuôi, đảm bảo tiêm phòng triệt để cho đàn vật nuôi.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần thường xuyên quản lý, giám sát chặt chẽ đàn vật nuôi. Khi có dấu hiệu dịch bệnh, người chăn nuôi phải thông báo kịp thời đến cơ quan chức năng để có những biện pháp xử lý. Như vậy, dịch bệnh mới được kiểm soát và xử lý kịp thời.
Thu Hằng