Dịch lở mồm long móng và các dịch bệnh như: Dịch tả lợn châu Phi, dịch heo tai xanh… là các dịch bệnh nguy hiểm, dễ lây lan trên đàn gia súc, ảnh hưởng đến sự phát triển ngành chăn nuôi của các địa phương.

Trong thời điểm giao mùa, mưa nắng thất thường, khí hậu diễn biến phức tạp là cơ hội để các loại dịch bệnh phát tác.

Huyện Hải Hậu (Nam Định) là địa phương có số lượng đàn gia súc lớn. Với tinh thần chủ động đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ đàn gia súc an toàn, góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển, huyện đang tập trung chỉ đạo các ngành chuyên môn và các xã, thị trấn triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống các loại dịch bệnh nguy hiểm.

{keywords}
Ảnh minh họa. 

Theo báo cáo của ngành chăn nuôi huyện, nguyên nhân dẫn đến tình trạng dịch bệnh động vật phát sinh, lây lan là do hình thức chăn nuôi vẫn chủ yếu là nhỏ lẻ, phân tán theo hướng tự phát; chuồng trại xây dựng không đúng quy định, nằm xen kẹp trong khu dân cư, không bảo đảm điều kiện vệ sinh môi trường.

Một số xã chưa thực sự quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện các biện pháp phát triển chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Công tác quản lý đàn vật nuôi, nhất là việc tổ chức đăng ký, kê khai hoạt động chăn nuôi theo Luật Chăn nuôi của chính quyền cấp xã còn hạn chế; việc phối hợp triển khai các dự án phát triển chăn nuôi chưa chặt chẽ. Công tác giám sát, thông tin, báo cáo dịch bệnh động vật chưa kịp thời.

Việc quản lý người hành nghề thú y, cơ sở buôn bán thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, cơ sở giết mổ nhỏ lẻ và kiểm soát hoạt động vận chuyển động vật, sản phẩm động vật vào địa bàn huyện chưa cao.

Quá trình vệ sinh, tiêu độc, xử lý chất thải chăn nuôi chưa được quan tâm đúng mức. Địa phương không bố trí kinh phí để huy động lực lượng thú y viên tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh nên kết quả tiêm vắc xin phòng các loại dịch bệnh trên đàn gia súc còn hạn chế. 

UBND huyện đã chỉ đạo quyết liệt các xã, thị trấn tập trung rà soát, thống kê toàn bộ đàn lợn, tổ chức ký cam kết đến từng hộ nuôi không giấu dịch, khi xuất bán lợn phải báo cho xã để kiểm tra, theo dõi.

Đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi mua vôi bột, hóa chất để vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, các tuyến đường dẫn vào hộ chăn nuôi có động vật bị bệnh.

Tuyên truyền về các chủ trương, chính sách, các quy định của Nhà nước về lĩnh vực chăn nuôi, thú y và các kỹ thuật chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh phù hợp, hiệu quả; khuyến cáo người dân tạm dừng việc tái đàn, giữ vệ sinh môi trường chuồng trại, thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

Tổ chức các đợt tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc đồng loạt trên phạm vi toàn huyện; thường xuyên thực hiện vệ sinh, tiêu độc khu vực chăn nuôi, chợ buôn bán gia súc, gia cầm, khu vực giết mổ và nơi có ổ dịch cũ.

Tăng cường truyên truyền hướng dẫn bà con thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh, quản lý, xử lý tốt nguồn chất thải chăn nuôi bảo vệ môi trường.

Tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; ký cam kết thực hiện sản xuất an toàn với các chủ hộ chăn nuôi, buôn bán, giết mổ, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật.

Khuyến khích tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung theo Quyết định số 72/QĐ-UBND ngày 20-1-2015 của UBND tỉnh.

Minh Phúc