Trước tình hình diễn biến phức tạp của các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhất là một số bệnh nguy hiểm, UBND huyện Hải Hậu (Nam Định) đã chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung kiện toàn và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật.
Tập trung rà soát, thống kê toàn bộ đàn lợn, tổ chức ký cam kết đến từng hộ nuôi không giấu dịch, khi xuất bán lợn phải báo cho xã để kiểm tra, theo dõi.
Ảnh minh họa. |
Đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi mua vôi bột, hóa chất để vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, các tuyến đường dẫn vào hộ chăn nuôi có động vật bị bệnh.
Đẩy mạnh tuyên truyền về các chủ trương, chính sách, các quy định của Nhà nước về lĩnh vực chăn nuôi, thú y và các kỹ thuật chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh phù hợp, hiệu quả; khuyến cáo người dân tạm dừng việc tái đàn, giữ vệ sinh môi trường chuồng trại, thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; hướng dẫn cho nhân viên thú y cơ sở sử dụng kháng sinh có trách nhiệm trong chăn nuôi; cách nhận biết bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò và biện pháp phòng chống dịch; phương thức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đúng cách…
UBND các xã, thị trấn tập trung chỉ đạo các ngành, đơn vị chức năng phối hợp tăng cường công tác giám sát dịch bệnh; chủ động lấy mẫu bệnh phẩm trên đàn lợn, trâu, bò và gia cầm để xét nghiệm phát hiện dịch bệnh; giám sát, kiểm dịch vận chuyển động vật ra vào địa bàn.
Kiểm soát tốt hơn môi trường chăn nuôi, nhất là ở các vùng chăn nuôi tập trung.
Tăng cường truyên truyền hướng dẫn bà con thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh, quản lý, xử lý tốt nguồn chất thải chăn nuôi bảo vệ môi trường. Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch để dịch bệnh phát sinh, lây lan diện rộng.
Để bảo đảm ngành chăn nuôi phát triển bền vững, thời gian tới, huyện Hải Hậu sẽ xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch giám sát, cảnh bảo dịch để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh kịp thời, hiệu quả.
Tổ chức quản lý, nắm chắc tình hình chăn nuôi, dịch bệnh đến tận hộ nuôi; thực hiện chế độ thông tin, báo cáo dịch từ cấp cơ sở lên cấp huyện, tỉnh theo quy định.
Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các đợt tiêm phòng vắc xin chính vụ với yêu cầu tiêm đồng loạt, nhanh gọn, đúng thời gian quy định để phát huy tối đa hiệu quả của vắc xin.
Tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; ký cam kết thực hiện sản xuất an toàn với các chủ hộ chăn nuôi, buôn bán, giết mổ, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật. Khuyến khích tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung theo Quyết định số 72/QĐ-UBND ngày 20-1-2015 của UBND tỉnh.
Tổ chức tốt các đợt tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc đồng loạt trên phạm vi toàn huyện; thường xuyên thực hiện vệ sinh, tiêu độc khu vực chăn nuôi, chợ buôn bán gia súc, gia cầm, khu vực giết mổ và nơi có ổ dịch cũ.
Anh Dũng