Trong thời điểm dịch bệnh động vật diễn biến phức tạp, ngành chuyên môn huyện Gio Linh (Quảng Trị) xác định, một trong những giải pháp ngăn chặn dịch bệnh là công tác kiểm soát quản lý giết mổ.

Theo thống kê của ngành chức năng, hiện tại huyện có 35 hộ đăng ký kinh doanh giết mổ, rải khắp các vùng dân cư của 11 xã, thị trấn, lượng thịt được cung cấp chủ yếu cho các tư thương tại các chợ trên toàn huyện.

{keywords}
Ảnh minh họa. 

Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện được giao kiểm soát giết mổ 25 hộ kinh doanh ( gồm 7 hộ kinh doanh giết mổ bò, 18 hộ kinh doanh giết mổ lợn) tại các điểm Chợ Cầu (Thị trấn Gio Linh), chợ Thị trấn Cửa Việt và chợ Nam Đông (xã Gio Sơn).

Đối với các chợ quy mô nhỏ của các xã thì được giao cho xã quản lý. Nhiệm vụ kiểm soát giết mổ tại các xã được giao cho các Nhân viên thú y xã thực hiện. 

Tổng số gia súc đưa vào giết mổ được kiểm soát trong ngày trên toàn huyện từ chỗ đạt 65 con lợn, 3 con bò (năm 2018), nay chỉ còn bình quân 32 con lợn, 04 con bò đưa vào giết mổ.

Những năm qua, hoạt động kinh doanh giết mổ trên địa bàn huyện Gio Linh (Quảng Trị)  chủ yếu là giết mổ nhỏ lẻ, manh mún, do vậy công tác kiểm soát giết mổ trên địa bàn gặp nhiều khó khăn.

Việc dịch bệnh luôn rình rập, nguy cơ gian thương tuồn hàng thịt lợn bệnh, trâu bò bệnh ra thị trường làm tăng thêm áp lực đối với lực lượng làm nhiệm vụ kiểm soát giết mổ, Trạm phải tăng cường chỉ đạo cán bộ làm công tác kiểm soát giết mổ tăng cường công tác kiểm tra sống gia súc trước khi giết mổ, nhằm ngăn chăn tư thương đưa gia súc bệnh vào giết mổ.

Tuy nhiên, do đặc điểm hoạt động giết mổ manh mún, nhỏ lẻ, tất cả các điểm giết mổ đều đồng loạt hoạt động vào thời điểm tầm 3-4 giờ sáng nên công tác kiểm soát giết mổ cũng gặp nhiều trở ngại.

Nhân lực làm nhiệm vụ kiểm soát giết mổ dàn trải trên địa bàn rộng, đồng thời phải kiểm soát trong một thời gian ngắn nên việc giám sát gặp vướng mắc. 

Để khắc phục khó khăn trên, Trạm đã phân công viên chức, người lao động thực hiện nhiệm vụ kiểm soát giết mổ theo đúng thời gian diễn ra hoạt động giết mổ, tập trung vào các hộ giết mổ số lượng nhiều (làm ngoài giờ) ở các khu vực tập trung đông các hộ giết mổ (Thị trấn Gio Linh, Thị trấn Cửa Việt và địa bàn xã Gio Sơn), sau đó tiếp tục phúc kiểm tại các chợ.

Qua đó, công tác kiểm soát giết mổ được thực hiện đảm bảo theo quy định của ngành, số đầu gia súc đưa vào giết mổ được kiểm soát kịp thời và đúng quy định.

Trong các tháng đầu năm 2021, Trạm đã tham gia 01 đợt thanh tra định kỳ và nhiều đợt kiểm tra đột xuất hoạt động giết mổ do Chi cục Chăn nuôi và Thú y chủ trì, tham gia đoàn kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm do huyện tổ chức.

Đồng thời tuyên truyền vận động nên trong thời gian qua, các hộ hoạt động kinh doanh giết mổ, buôn bán thực phẩm nguồn gốc động vật tươi sống cũng nhận thức rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình nên không có hộ kinh doanh nào vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh, không có trường hợp xảy ra ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn.

Về vấn đề xây dựng khu giết mổ tập trung quy mô nhỏ trên địa bàn huyện, các cấp lãnh đạo cần có chính sách đặc thù đối với các lò giết mổ tập trung quy mô nhỏ.

Vì với các lò giết mổ gia súc quy mô dưới 30 con lợn/ngày là không có lãi, do vậy với chính sách hiện tại không có sức thu hút người dân tham gia đầu tư, cần có các cơ chế chính sách ưu đãi để thu hút người dân tham gia đầu tư và xã hội thu lãi ở việc hạn chế ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe nhân dân.

Riêng với bài toán cân đối giữa chi phí cho công tác giết mổ và nguồn thu từ hoạt động này, cần có sự điều chỉnh mức thu phí (sửa đổi mức thu phí kiểm soát giết mổ được quy định bởi Thông tư số 285/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 “Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý phí, lệ phí trong công tác thú y” của Bộ Tài chính) theo hướng tăng lên đối với các hộ kinh doanh giết mổ nhỏ lẻ so với các hộ giết mổ tập trung, vừa có tác dụng kích thích các hộ dân tham gia giết mổ tại các lò mổ tập trung thay vì tự giết mổ tại điểm giết mổ tại gia như hiện nay.

Minh Phúc