Cách Thành phố Phan Thiết 56 hải lý, đảo Phú Quý có vị trí quan trọng về kinh tế, quốc phòng. Đảo nằm trên tuyến giao lưu giữa đất liền với Quần đảo Trường Sa và nằm tiếp cận tuyến hàng hải quốc tế, là căn cứ nổi phục vụ các đội tàu đánh bắt cá xa bờ. Đây là địa bàn chiến lược về tiềm năng kinh tế biển đảo, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với củng cố vững chắc quốc phòng và an ninh. 

Với dân số trên 28 nghìn người, trong đó 70% là lao động biển, kinh tế biển được xác định là nền kinh tế mũi nhọn của huyện Phú Quý. Huyện cũng đưa ra mục tiêu phát triển kinh tế bền vững theo hai trụ cột chính là ngành hải sản và ngành du lịch, thương mại - dịch vụ trên cơ sở khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế phù hợp. 

Tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định: “Ngành hải sản tiếp tục giữ vai trò chủ lực và là mũi nhọn phát triển kinh tế, là một trong hai trụ cột chính của nền kinh tế huyện nhà”. 

Theo thống kê, toàn huyện hiện có 1675 tàu cá, trong đó có 594 tàu có công suất từ 90Cv trở lên, 100% tàu đã lắp đặt máy giám sát hành trình, đây là lượng tàu thường xuyên khai thác vùng biển Trường Sa.

Cảng cá An Thới Phú Quốc, KIên Giang  used.jpg
Sản lượng khai thác hải sản hàng năm của huyện đảo đạt 30 nghìn tấn.

Để phát triển ngành thuỷ sản, huyện luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt việc phát triển kinh tế ngành hải sản. Để khuyến khích ngư dân vươn khơi bám biển phát triển kinh tế, huyện đã triển khai các chính sách đối với ngư dân khai thác vùng biển xa bờ.

Thực hiện Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg, ngày 13/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa, từ năm 2018 đến năm 2022, huyện đã tiến hành hỗ trợ được 771.506.136.000 đồng cho các phương tiện tàu cá và thuyền viên trên địa bàn huyện. 

Để phát triển ngành hải sản theo hướng bền vững, thời gian qua, huyện đã tăng cường quản lý, ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân trong tỉnh khai thác hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài. Nhờ đó, đến nay trên địa bàn huyện chưa có tàu thuyền khai thác hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài.

Năm 2023, kinh tế của huyện đảo tiếp tục duy trì ổn định và phát triển. Sản lượng khai thác thuỷ sản hải sản được 31.166 tấn, đạt 103,89% kế hoạch.

Bên cạnh khai thác, huyện cũng chú trọng phát triển ngành nuôi trồng thuỷ sản. Thời gian qua, huyện Phú Quý đã tập trung phát triển thủy sản nuôi theo hướng bền vững. Tính đến nay, trên địa bàn huyện có 72 cơ sở nuôi trồng hải sản, với diện tích 14.484,9 m2; trong đó, có 61 hộ nuôi lồng bè với diện tích nuôi trồng là 9.301 m2; 11 hồ chắn với diện tích nuôi trồng là 5.183,9 m2. Đối tượng nuôi chủ yếu cá mú, cá bớp, tôm hùm... năng suất nuôi trung bình hàng năm đạt khoảng 100 tấn, tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân, giúp nhiều gia đình vươn làm giàu chính đáng.

Ngoài phát triển thuỷ sản, du lịch là một trong những lĩnh vực có tiềm năng kinh tế biển rất lớn của Phú Quý. Theo ông Ngô Tấn Lực, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quý, trong những năm gần đây, du lịch Phú Quý đã có những bước phát triển mạnh, nhất là từ khi nguồn điện được phát 24/24 giờ đã mở ra một thời kỳ mới cho Phú Quý. 

Năm 2023 có hơn 165.000 lượt du khách đến đảo Phú Quý; trong 3 tháng đầu năm 2024, đảo đón gần 24.000 lượt khách, tăng 14.000 lượt so với cùng kỳ năm 2023.

Hiện Phú Quý đang nỗ lực xây dựng một thương hiệu du lịch gắn liền với những đặc trưng riêng dựa trên thế mạnh về biển đảo và tận dụng những lợi thế nổi trội của mình để phát triển thành những sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, góp phần thúc đẩy phát triển mạnh kinh tế biển đảo.

Phú Quý là hòn đảo có vị trí chiến lược, quan trọng về quốc phòng, an ninh, vì vậy, không chỉ chú trọng phát triển kinh tế biển, huyện còn củng cố vững chắc quốc phòng và an ninh. 

Huyện đã tập trung xây dựng các công trình phục vụ dân sinh, kết hợp với quốc phòng, an ninh như kè chống xâm thực, cảng biển, đường giao thông, các công trình y tế, trường học, trụ sở làm việc bảo đảm tốt vừa phục vụ nhân dân, sẵn sàng bảo đảm cho quốc phòng, an ninh khi có tình huống; ngư dân và phương tiện tàu thuyền luôn thường trực ở các vùng biển khơi xa bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. 

Tháng 8/2023, đảo Phú Quý chính thức có 6 điểm neo đậu tàu thuyền vào sử dụng. Đây là khu neo đậu tàu thuyền tại khu vực đảo Phú Quý thuộc vùng nước cảng biển Bình Thuận. Công trình nhằm đáp ứng nhu cầu neo đậu cho tàu thuyền chờ đợi cầu, đợi luồng, kết hợp tránh, trú bão nhằm đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường…. 

Và mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Phú Quý (giai đoạn 2). Công trình này không chỉ là cảng cá, là nơi tránh trú bão mà còn gắn với phát triển kinh tế- du lịch huyện đảo, sau khi dự án được thi công hoàn thành, sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Được biết, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Phú Quý sau khi hoàn thiện và đưa vào sử dụng sẽ giúp cho hơn 1.000 tàu cá với công suất/600CV của ngư dân tỉnh Bình Thuận và các tỉnh lân cận hoạt động khai thác hải sản ngư trường Nam Trung bộ, Trường Sa, DK1 vào neo đậu, tránh trú bão an toàn...

Bên cạnh việc đầu tư hạ tầng cảng biển, thời gian qua, huyện đã duy trì, phát huy hiệu quả các tổ thuyền đoàn kết nhằm tương trợ, giúp đỡ nhau trong khai thác hải sản, rủi ro, hoạn nạn trên biển và tham gia bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. 

Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quý cho biết, tính đến nay, toàn huyện có tổng số tàu thuyền 1.560 chiếc, sản lượng khai thác hải sản hàng năm đạt 30 nghìn tấn. Đây là tiềm năng lợi thế của Phú Quý để phát triển mạnh kinh tế biển. 

Toàn huyện có 80 tổ thuyền đoàn kết với 530 tàu thuyền với 3.820 lao động tham gia khai thác thuỷ sản trên vùng biển xa. Bên cạnh đó, huyện đã thành lập 1 nghiệp đoàn khai thác hải sản ở xã Tam Thanh gồm 15 thuyền với 78 lao động tham gia. Các lực lượng này không chỉ hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong qúa trình hoạt động sản xuất mà còn góp phần cùng các l lượng chức năng tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo; hỗ trợ các lực lượng chức năng xử lý sự cố khi ngư dân gặp thiên tai, rủi ro trên biển.