Huyện đảo Kiên Lương phát triển mạnh nghề nuôi tôm công nghiệp, và cũng là địa phương có số lượng lồng nuôi biển lớn nhất tỉnh Kiên Giang.
Cuối năm 2020, UBND tỉnh Kiên Giang đã phê duyệt Đề án Phát triển nuôi biển theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Theo Đề án phê duyệt thì huyện Kiên Lương là một trong những vùng nuôi biển của tỉnh.
Với định hướng là tập trung đầu tư, phát triển nuôi thủy sản lồng bè trên biển, nuôi nhuyễn thể vùng bãi triều, ven biển theo chiều sâu, nuôi biển công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, chú trọng an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái, nguồn lợi thủy sản, kết hợp với tham quan du lịch.
Triển khai thực hiện đề án trên, đến nay, huyện Kiên Lương phát huy thế mạnh và lợi thế của địa phương. Ngoài việc đánh bắt thủy sản, huyện còn quan tâm nhiều đến việc nuôi trồng thủy sản, nuôi biển,...
Theo báo cáo của UBND huyện đảo Kiên Lương, năm 2022 diện tích nuôi tôm công nghiệp toàn huyện đạt gần 2.500 ha, chiếm trên 70% diện tích toàn tỉnh; năm 2023, diện tích nuôi tôm công nghiệp tiếp tục tăng, đạt 2.750 ha; nuôi cá lồng bè cũng tăng, năm 2023 toàn huyện có 1.205 lồng nuôi. Huyện cũng là nơi thu hút nhiều doanh nghiệp thủy sản có quy mô đầu tư phát triển ngành nuôi tôm công nghiệp.
Sản lượng nuôi trồng cũng tăng trưởng nhanh. Năm 2023, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản của toàn huyện đạt 110.863 tấn, tăng 9,47%; trong đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt trên 64.000 tấn, tăng 14,09%. Riêng sản lượng tôm nuôi công nghiệp của huyện trong năm 2023 đạt 29.907 tấn, tăng hơn 17% so với năm trước.
Kiên Lương là địa phương đứng đầu có số lượng lồng nuôi biển lớn nhất tỉnh, và được coi là “thủ phủ” nghề nuôi tôm công nghiệp. Trong đó, “thủ phủ” nuôi tôm của Kiên Lương lại chính là xã Dương Hòa. Đây là địa phương có tiềm năng thế mạnh về lĩnh vực nuôi tôm nhất ở huyện. Theo đó, toàn xã có hơn 1.000 ha nuôi tôm quảng canh và trên 500 ha nuôi tôm công nghiệp.
Hiện nay, để tiếp tục phát huy lợi thế về tiềm năng, thế mạnh trên địa bàn, đồng thời nâng cao năng suất, chất lượng nuôi trồng thuỷ sản, xã Dương Hòa tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân áp dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, từng bước chuyển đổi các mô hình nuôi trồng có hiệu quả gắn với bảo vệ nguồn lợi sẳn có trên địa bàn.
Ngoài tôm, nhiều địa phương phát nghề nuôi cá lồng trên biển. Như xã Bình An, bên cạnh phát triển du lịch, xã vẫn định hướng đầu tư và phát triển các mô hình nuôi trồng ven biển mang hiệu quả kinh tế cao, như mô hình nuôi cá mú có diện tích khoảng 34 ha, nuôi tôm công nghiệp có diện tích hơn 73 ha.
Tuy nhiên, nói đến nghề nuôi biển ở Kiên Lương thì phải nhắc đến các xã đảo Hòn Nghệ, Sơn Hải. Những nơi này có thế mạnh về nuôi cá lồng bè. Trong đó xã Hòn Nghệ là xã có số lượng cá lồng bè nuôi nhiều nhất tỉnh. Đây là nơi phát triển mạnh về nuôi cá lồng bè từ năm 2018. Hiện Hòn Nghệ đang cung cấp từ 60 tới 80 tấn cá các loại như cá mú, cá bóp… cho toàn thị trường.
Ông Huỳnh Quốc Thành, ở xã Hòn Nghệ, là một trong những gia đình có mô hình nuôi biển khá quy mô, mỗi năm lợi nhuận thu được hàng trăm triệu đồng.
Anh Thành chia sẻ, hồi mới bắt tay vào nghề nuôi biển, anh cũng dè dặt vừa nuôi vừa thăm dò để tích luỹ kinh nghiệm. Vì thế hồi đó anh chỉ nuổi 4 bè, chủ yếu là cá bống mú.
Đến nay, sau 13 năm nuôi cá trong bè trên biển, anh Thành đã ngày càng mở rộng mô hình nuôi với 40 bè với diện tích khoảng 2.000m2, sản lượng mỗi năm thu về khoảng 30 tấn cá các loại như cá bống mú, cá bóp, cá chim…, trừ chi phí lợi nhuận được từ 200 triệu đồng trở lên. Đầu năm 2024, anh Thành tiếp tục mở rộng thêm bè để nuôi mực và tôm hùm về nuôi thí điểm.
Ở huyện Kiên Lương, không chỉ có mô hình của anh Thành, tại các địa phương có thế mạnh về nuôi biển cũng có rất nhiều mô hình nuôi trồng có quy mô và phát triển mạnh.
Xã đảo Sơn Hải cũng đang được xác định phát triển nghề nuôi cá lồng bè là ngành kinh tế mũi nhọn.
Sơn Hải cách mũi Hòn Chông khoảng 6km về phía Tây, xã có diện tích tự nhiên hơn 440ha. Với lợi thế từ mặt nước biển, xã Sơn Hải xác định lấy khai thác xa bờ và nuôi biển là 2 lĩnh vực trong tâm để phát triển kinh tế biển của địa phương.
Theo số liệu thống kê của UBND xã Sơn Hải, tính đến cuối năm 2023, toàn xã có trên 100 hộ nuôi trồng, chủ yếu là các loài cá bóp, bống mú và ốc hương, tập trung ở cả 2 ấp Hòn Heo và Hòn Ngang.
Để thực hiện nuôi biển hiệu quả, chính quyền địa phương đang định hướng người dân liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm bảo đảm an toàn từ đầu vào nguyên liệu, đến đầu ra sản phẩm, không bị áp lực vốn mua thức ăn.
Đặc biệt, người nuôi được hỗ trợ kỹ thuật từ các chuyên gia, nhà khoa học, được chuyển giao các ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đảm bảo cá đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, hạn chế tối đa tỷ lệ hao hụt, rủi ro trong quá trình nuôi, từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế.
Theo ông Nguyễn Hữu Phước, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Hải, để đẩy mạnh phát triển nghề nuôi biển bền vững, xã Sơn Hải sẽ quy hoạch các vùng nuôi tập trung cho năng suất và chất lượng cao, từ đó giảm dần việc nuôi trồng nhỏ lẻ, phân tán nhằm phát huy thế mạnh trong lĩnh vực nuôi trồng, đồng thời bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản và bảo vệ môi trường biển bền vững.
Huyện Kiên Lương cho biết, để tiếp tục phát huy tiềm tăng và lợi thế về phát triển kinh tế biển, dự kiến năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản của huyện sẽ đạt 66.800 tấn. Trong đó tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế biển gắn với vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, nhân rộng mô hình nuôi biển, nuôi trồng thủy sản ven biển, bãi bồi.
Hải Yến