Đăk Glei là một huyện miền núi biên giới nằm ở phía Bắc của tỉnh Kon Tum, với diện tích tự nhiên 149.364,4 ha, có đường biên giới dài 119,726km giáp huyện Xản Xay (tỉnh Attapư) và Đăk Chưng (tỉnh Sê Kông) nước CHDCND Lào.
Có “điều kiện lý tưởng” để thu hút đầu tư vào nông nghiệp
Được thiên nhiên ưu đãi về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, huyện Đăk Glei có nhiều tiềm năng, lợi thế về tài nguyên đất đai, nguồn nước, nguồn nhân lực và điều kiện khí hậu phù hợp cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nhất là cây cà phê xứ lạnh, sâm Ngọc Linh, sâm dây, mắc ca. Vùng nguyên liệu lớn, đa dạng là lợi thế để huyện Đăk Glei đẩy mạnh kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các khâu sản xuất, thu mua, chế biến và chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp.
Trên thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn phát triển sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp và tạo ra doanh thu, lợi nhuận lớn. Qua đó, giúp người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Đăk Glei tiêu thụ sản phẩm, có việc làm và thu nhập ổn định, góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững, đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Bên cạnh đó, huyện Đăk Glei đang đẩy mạnh thu hút đầu tư về chăn nuôi, tập trung vào phát triển đàn trâu, bò tại các xã biên giới Đăk Blô, Đăk Nhoong; phát triển các trang trại nuôi heo theo công nghệ mới tại các xã Đăk Man, Đăk Long, Đăk Blô, Đăk Môn, Xốp, Đăk Choong và Đăk Kroong.
Huyện còn là nơi có “điều kiện lý tưởng” cho việc khai thác, phát triển nuôi trồng các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao. Hiện tại, việc khai thác và khoanh nuôi cá niêng tự nhiên được triển khai tại xã Đăk Choong, mang lại hiệu quả kinh tế cao; các xã Đăk Man, Mường Hoong, Ngọc Linh có nguồn nước lạnh phù hợp với việc đầu tư phát triển các loại cá nước lạnh như cá tầm, cá niêng.
Dồi dào tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo
Đăk Glei cũng có tiềm năng lớn về thủy điện, điện gió, điện mặt trời. Trên địa bàn huyện hiện có 19 dự án thủy điện được quy hoạch có tổng quy mô công suất 195,6 MW. Trong đó, Dự án thủy điện Đăk Pru 1 hoàn thành phát điện vào tháng 12/2018; Dự án thủy điện Đăk Mi (xã Đăk Choong) đạt khối lượng thi công khoảng 60%, dự kiến hoàn thành và phát điện vào cuối năm 2024; 14 dự án đã có chủ trương khảo sát, đầu tư thủy điện với tổng quy mô công suất 173,6 MW và 3 dự án chưa có chủ trương đầu tư với công suất 15 MW.
Hiện nay, huyện Đăk Glei có 5 dự án điện gió (trong đó có 1 dự án đã cơ bản hoàn thành, các dự án còn lại đang trong thời gian khảo sát, lập thủ tục xin chủ trương đầu tư); 1 dự án điện sinh khối đang tiến hành khảo sát. Ngoài ra, Điện lực Đăk Glei đã tiến hành lắp đặt 29 hệ thống điện mặt trời áp mái cho khách hàng có nhu cầu, góp phần tăng tỷ trọng khai thác, sử dụng năng lượng tái tạo trên địa bàn huyện.
Mời gọi đầu tư để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Đăk Glei có nhiều cảnh quan thiên thiên hấp dẫn, các di tích văn hóa, lịch sử để phát triển du lịch sinh thái, du lịch gắn với văn hóa, lịch sử, thắng cảnh, cộng đồng, nông nghiệp, nông thôn, tạo thành các sản phẩm du lịch độc đáo, mang tính đặc thù của địa phương. Huyện có hệ thống thác ghềnh hùng vĩ như thác Đăk Chè (xã Đăk Man), thác Đăk Ruồi (thị trấn Đăk Glei), thác Đăk Long (xã Đăk Long); có 1 di tích được xếp hạng quốc gia (Ngục Tố Hữu).
Huyện Đăk Glei đang đẩy mạnh xúc tiến du lịch, mời gọi đầu tư với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, đưa lĩnh vực du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện nhằm tạo ra nhiều việc làm mới, thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực khác và là điểm đến du lịch hấp dẫn của tỉnh. Địa phương đang tích cực hỗ trợ Công ty Cổ phần Ecogreen Phú Quốc trong việc khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư “Dự án tổ hợp khu bảo tồn sinh thái kết hợp du lịch trải nghiệm Đăk Long”.
Việc Đăk Glei tổ chức thành công Diễn đàn kết nối du lịch, thương mại và đầu tư vào ngày 9/12 là một bước tiến nhằm thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia tìm hiểu cơ hội và hợp tác đầu tư trên địa bàn.