Sau hơn 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) phấn đấu về đích nông thôn mới vào cuối năm 2023.
Với quan điểm xây dựng nông thôn mới có điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc, huyện hướng đến mục tiêu xây dựng nông thôn mới một cách thiết thực, hiệu quả, phấn đấu có nền kinh tế phát triển bền vững.
Ông Lê Minh Đương, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch thường trực Uỷ ban nhân dân huyện Cù Lao Dung cho biết, toàn huyện hiện có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó có xã An Thạnh 1 là xã nông thôn mới nâng cao đang triển khai các mục tiêu để đạt nông thôn mới kiểu mẫu vào cuối năm 2023. Xã An Thạnh Tây sẽ hoàn thành chỉ tiêu về xã nông thôn mới nâng cao, riêng thị trấn Cù Lao Dung cũng đang phấn đấu đạt tiêu chí về đô thị văn minh cuối năm 2023.
Trên tinh thần chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện đăng ký với tỉnh là cuối năm 2023, Cù Lao Dung sẽ hoàn thành 9 tiêu chí huyện nông thôn mới.
Huy động sức dân, dựa vào nội lực
Huyện Cù Lao Dung phấn đấu xây dựng nông thôn phát triển, kết cấu hạ tầng hiện đại, dân chủ được phát huy, bản sắc văn hóa được giữ vững, môi trường đảm bảo, an ninh được tăng cường, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, hệ thống chính trị vững mạnh.
Trong quá trình thực hiện, huyện chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và phát huy vai trò chủ thể của người dân; chú trọng công tác tuyên truyền, vận động làm thay đổi nhận thức của cán bộ và nhân dân.
Thực hiện tốt quan điểm “Dựa vào nội lực là chính, Nhà nước đóng vai trò định hướng, hỗ trợ”, từ đó xóa dần tư tưởng trông chờ, thụ động trong triển khai thực hiện. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phù hợp theo từng thời kỳ, đồng thời nâng cao chất lượng thông tin tuyên truyền về những kinh nghiệm hay, điển hình tốt trong xây dựng nông thôn mới để nhân rộng.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Ủy ban nhân dân huyện, Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia huyện đã tổ chức 01 cuộc Hội nghị triển khai Hướng dẫn số 01/HD-BCĐUBND ngày 07/3/2023 của Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Sóc Trăng về thực hiện, đánh giá, công nhận đạt tiêu chí và công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 - 2025; Hướng dẫn số 02/HD-BCĐUBND ngày 14/10/2022 của Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Sóc Trăng về thực hiện, đánh giá Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới với tổng số 58 lượt người tham dự, đại diện các đơn vị phòng phụ trách tiêu chí huyện, các hội đoàn thể cấp huyện và các xã. Thực hiện lắp đặt được 14 panô tuyên truyền nông thôn mới tại các xã.
Ủy ban nhân dân các xã phối hợp với các hội đoàn thể cấp huyện đã tổ chức 14 cuộc tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho người dân về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới như: Tuyên tuyền vận động thực hiện “Ngày chủ nhật xây dựng nông thôn mới”; Kế hoạch trồng hoa các tuyến đường tỉnh, đường huyện; Tuyên truyền Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; huyện nông thôn mới… trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn.
Với phương châm chọn điểm mang tính đột phá theo hướng dễ làm trước, khó làm sau và có lộ trình cụ thể để tạo động lực thực hiện, ngay từ những năm đầu thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Cù Lao Dung đã tập trung cao cho công tác xây dựng quy hoạch. Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, là tiền đề và phải đi trước một bước trong thực hiện xây dựng nông thôn mới, huyện tập trung chỉ đạo và ban hành cơ chế hỗ trợ cho các xã xây dựng quy hoạch nông thôn mới.
Cùng với đó, triển khai hiệu quả thực hiện quy hoạch đề án xây dựng nông thôn mới gắn với quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội - môi trường, quy hoạch sử dụng đất, phát triển các khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư hiện có theo hướng hiện đại, hoàn thiện, làm cơ sở để quản lý và định hướng cho nông nghiệp, nông thôn phát triển theo quy hoạch.
Huyện đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền thực hiện hộ văn hóa nông thôn mới, ấp văn hóa nông thôn, tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu. Trong 6 tháng đầu năm năm 2023, đã cấp phát 10.000 tờ bướm tuyên truyền hộ văn hóa nông thôn mới cho các xã.
Ủy ban nhân dân các xã đã phối hợp với các hội, đoàn thể xã tổ chức lồng ghép thực hiện được 34 cuộc tuyên truyền tại 34 ấp, cấp phát tài liệu tuyên truyền cho nhân dân. Đồng thời, tuyên truyền vận động nhân dân tham gia hưởng ứng phong trào “Ngày chủ nhật xây dựng nông thôn mới” và các tiêu chí hộ văn hóa nông thôn mới, tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu, ấp văn hóa nông thôn mới.
Các xã hiện nay đang tổ chức rà soát, đánh giá, kết quả thực hiện hộ văn hóa nông thôn mới, tuyến đường nông thôn mới, ấp văn hóa nông thôn mới theo Quyết định 902/QĐ-UBND ngày 04/4/2022 của UBND tỉnh.
Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng đồng bộ, tạo động lực quan trọng để đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và đảm bảo an ninh, quốc phòng trên địa bàn.
Diện mạo nông thôn cũng như hệ thống điện, trường học, y tế, cơ sở vật chất văn hóa và các công trình phục vụ phúc lợi công cộng được đổi mới rõ rệt, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn về không gian, thu nhập, mức sống.
Chuyển đổi số nông nghiệp – nông thôn
Trong xây dựng nông thôn mới, huyện Cù Lao Dung xác định nông nghiệp là một thế mạnh trong phát triển kinh tế, xã hội nông thôn, nhất là sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
“Trong lĩnh vực nông nghiệp, hiện nay Cù Lao Dung đã xây dựng 1 app quản lý vùng trồng, sản xuất nông nghiệp do Phòng Nông nghiệp quản lý. Ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, bà con trên địa bàn huyện Cù Lao Dung áp dụng 1 số quy trình như: Thực hiện đề án của Sở KHCN hỗ trợ, xây dựng mô hình tưới thông minh, có cảm ứng về nhiệt độ, về độ ẩm trong hệ thống tưới. Khi nhiệt độ và độ ẩm thấp, cây thiếu nước, hệ thống sẽ tự động tưới, người nông dân không cần phải đi mở máy tưới như trước.
Bên cạnh đó, bà con sử dụng công nghệ qua app cài đặt trên điện thoại thông minh để thực hiện mô hình tưới trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản như kiểm soát các tiêu chí về môi trường, đo oxy trong nước, đo độ PH…”, ông Lê Minh Đương thông tin.
Huyện luôn khuyến khích hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa gắn liên kết chuỗi giá trị nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Đây là một trong những nội dung quan trọng được Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện đặc biệt quan tâm, chỉ đạo đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, tạo đột phá phát triển nhanh, bền vững nông nghiệp, nông thôn.
Ngoài ra, huyện triển khai Kế hoạch số 170/KH-UBND ngày 30/11/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2023 - 2025; Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành Kế hoạch số 08/KH-UBND ngày 13/01/2023 về thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2023 - 2025; Kế hoạch số 14/KH-UBND ngày 31/01/2023 về thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2023 trên địa bàn huyện Cù Lao Dung.
Đến nay, huyện có tổng số 11 sản phẩm OCOP được công nhận gồm: 01 sản phẩm OCOP 4 sao (Tôm một gió) và 10 sản phẩm OCOP 3 sao (Tinh dầu sả, nước cốt bần Ngọc Hồng, mật ong 6 Phương, trứng gà Đặng Tâm, ổi nữ hoàng, thanh nhãn, nhãn xuồng, nhãn xuồng tím, bưởi da xanh, rượu ổi Hồng Ven). Tất cả được đưa lên Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Sóc Trăng.
Các xã đã triển khai thực hiện Chương trình Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Cù Lao Dung giai đoạn 2021 - 2025. Kết quả thực hiện quảng bá hình ảnh các điểm du lịch tiềm năng của huyện như: Quán Cô Hai (có trưng bày các hiện vật, dụng cụ phục vụ sản xuất và sinh hoạt hàng ngày của người dân Nam Bộ xưa), khu bãi bồi xã An Thạnh Nam, điểm cầu tre xuyên rừng An Thạnh 3, Làng du lịch Long Ẩn xã An Thạnh 1…
Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được quan tâm, đảm bảo các ngành nghề phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch sản xuất nông nghiệp và đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Cùng với đó, các địa phương tích cực chuyển dịch cơ cấu sản xuất cũng như tuyên truyền, vận động người dân tham gia các lớp đào tạo, tập huấn về tiến bộ khoa học trong sản xuất nông nghiệp và phát triển các hình thức sản xuất. Các hình thức tổ chức phát triển kinh tế trong nông thôn đã tạo điều kiện giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Nhiều mô hình cải tạo cảnh quan môi trường nông thôn được các địa phương áp dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế như: Mô hình trồng hoa, cây xanh hai bên đường giao thông các xã, xóm ấp, nơi công cộng.
Bên cạnh đó, thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 – 2025, huyện tổ chức hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng các nền tảng công nghệ số, thanh toán không dùng tiền mặt qua các ứng dụng như: VNPT money, Mobile money, Viettel money… Tạo tài khoản và truy cập Cổng dịch vụ công trực tuyến. Hướng dẫn đăng ký và sử dụng các sàn thương mại điện tử Voso, Postmart... để mua bán, quảng bá, giới thiệu sản phẩm… Số lượng tài khoản dịch vụ công trực tuyến mà Tổ công nghệ số cộng đồng đã hướng dẫn người dân thiết lập là trên 500 tài khoản.
Thời gian tới, huyện đẩy mạnh triển khai Đề án Chuyển đổi số tỉnh Sóc Trăng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch Ứng dụng công nghệ thông tin và bảo đảm an toàn thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước tỉnh Sóc Trăng 2021 – 2025; Kế hoạch Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn tỉnh Sóc Trăng năm 2022.
Triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng tại huyện và các xã trên địa bàn huyện. Xây dựng, phát triển nền tảng ứng dụng trên thiết bị di động hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ, tiện ích trong chính quyền điện tử, chính quyền số (thu thập, tổng hợp, chuẩn hóa số liệu, thông tin các lĩnh vực, từng bước tích hợp vào nền tảng IOC), đưa vào vận hành chính thức App Công dân Sóc Trăng để phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Phối hợp các doanh nghiệp viễn thông tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng, mở rộng mạng lưới, hoàn thiện cơ sở hạ tầng số nhằm phục vụ công tác chuyển đổi số của các ngành, địa phương, đảm bảo cung cấp dịch vụ điện thoại và Internet đến tận các ấp, đáp ứng nhu cầu trao đổi thông tin của nhân dân trên địa bàn huyện. Triển khai thực hiện 02 bộ truyền thanh thông minh (An Thạnh Tây và An Thạnh Đông). Hiện nay, 100% xã (07/07 xã) có dịch vụ viễn thông, Internet; 100% xã (07/07 xã) có đài truyền thanh và hệ thống loa đến các ấp 34/34 ấp; 100% xã (07/07 xã) có ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành.