- Đó là khẳng định của Nguyễn Thị Khánh Huyền (Huyền Chip) (sinh viên ngành Trí tuệ nhân tạo và Khoa học máy tính, ĐH Stanford, Hoa Kỳ), tác giả 2 cuốn sách từng gây “bão tố” trên truyền thông.

{keywords}
Huyền Chip trình bày bài thuyết trình "Đào tạo Khoa học máy tính: Những bài học từ Thung lũng Silicon" tại sự kiện Ngày thứ Tư Công nghệ của Cốc Cốc

Tại sự kiện Ngày thứ Tư Công nghệ (Cốc Cốc’s Hitech-Wednesday), một chương trình đặc biệt được thiết kế cho các bạn trẻ đam mê Khoa học máy tính (Computer Science – CS), Huyền Chip đã chia sẻ về tầm quan trọng hiện nay cũng như trong tương lai của ngành Khoa học máy tính.

Cô khẳng định bất cứ ai, đang học ngành nghề gì cũng nên tìm hiểu về CS. "Những hiểu biết về CS sẽ mở ra rất nhiều cơ hội cho dù chuyên ngành chính của bạn là gì".

Theo Huyền Chip, nếu như ở Việt Nam, Tin học vẫn được coi là một "môn phụ" thì tại Mỹ, CS được coi là một trong những môn học quan trọng hàng đầu. Theo một khảo sát, 84% các bậc cha mẹ cho rằng CS là một môn học quan trọng cần có giống như Toán học, Khoa học, Lịch sử. 60% những người làm trong ngành giáo dục cho rằng CS cần phải được trang bị nếu có điều kiện.

Trong khi đó, ở Việt Nam, có tới 60% sinh viên được hỏi cho biết chưa từng bao giờ nghĩ sẽ làm việc trong ngành CNTT. "Tôi muốn giúp các bạn trẻ thay đổi phần nào nhận thực về vấn đề này. Hãy coi Tin học như một công cụ phục vụ cho việc nghiên cứu học tập và làm việc chứ không nên chỉ nhìn nhận đó như một chuyên ngành hẹp chỉ dành cho nam giới, những người giỏi toán, hay những người chỉ ngồi máy tính mà không thích ra ngoài. Tất nhiên để nghiên cứu sâu trong lĩnh vực này cần có những kiến thức nền tảng nhưng để sử dụng nó như một công cụ thì bất cứ ai cũng có thể học được", Huyền Chip nói.

{keywords}
 Huyền Chip giao lưu với các bạn trẻ tham dự sự kiện

Cô thừa nhận, ở Việt Nam, nhiều bậc phụ huynh không muốn cho con dành nhiều thời gian vào môn Tin học, bởi vì nó không phải là một trong số những môn thi đại học. “Theo mình, quan điểm này đã khá là cổ hủ, vì thực tế ngày nay bất cứ chuyên ngành nào từ vật lý đến văn chương đều cần đến những kiến thức về CS”.

“Bất kỳ một đứa trẻ nào trong thế kỷ 21 này cần phải hiểu về thuật toán, cách Internet vận hành, cách viết một ứng dụng trên điện thoại hay trên máy tính. Mình nghĩ nó cũng quan trọng như việc học về quang hợp, hệ tiêu hóa, hay về điện” – cô nói.

{keywords}
Một bạn trẻ đặt câu hỏi cho Huyền Chip

Kể về sự hiện diện của Khoa học máy tính, của trí tuệ nhân tạo ở thung lung Silicon, Huyền Chip nói, cứ mỗi ngày mở mắt ra là cô được nhìn thấy rất nhiều loại xe tự lái đang được thử nghiệm. “Bạn có thể thấy chúng trên đường hàng ngày. Có lẽ chỉ vài năm nữa thôi việc các lái xe truyền thống sẽ bị thay thế bởi xe không người lái. Tương tự nghề phiên dịch sẽ khó tồn tại khi mà các máy dịch tự động ngày càng thông minh hơn. Nếu không nắm bắt được xu hướng, rất có thể chúng ta sẽ tụt hậu rất sâu về phía sau hoặc đưa ra những lựa chọn sai lầm về nghề nghiệp".

Diễn giả cho rằng, những bước tiến trong ngành công nghệ thông tin (CNTT) đã và đang tác động to lớn đến tất cả các khía cạnh cho cuộc sống. Sự phát triển về công nghệ làm tăng khoảng cách giữa các quốc gia phát triển và quốc gia đang phát triển.

Ở ĐH Stanford, có đến trên 90% sinh viên theo học một môn CS nào đó. Trong khi, ở Việt Nam, theo một khảo sát nhanh của Cốc Cốc, có 34.27% sinh viên cho rằng CS "không quan trọng gì mấy" trong khi chỉ có 16.3% cho rằng CS vô cùng quan trọng.

Có 3 lý do hàng đầu cho việc không chọn học Khoa học máy tính: 68,2% không nghĩ rằng họ có thể học được vì thiếu kiến thức, kỹ năng; 7,1% nghĩ rằng CS là môn học nhàm chán; 5,1% là vì bố mẹ không muốn họ học.

Nhiều người cho rằng Khoa học máy tính là một thứ khô khan, nhàm chán và khó. Huyền Chip đã lấy bản thân ra làm ví dụ cho việc ai cũng có thể học và theo đuổi ngành học này. Bản thân cô, việc đến với Khoa học máy tính, trí tuệ nhân tạo diễn ra một cách tự nhiên và không theo dự định. Khi mới sang Stanford, cô nghĩ mình sẽ học một ngành xã hội nào đó, nhưng vì đang ở Silicon Valley và thấy các bạn học CS rất nhiều nên cô đã thử một khóa học CS. Giáo sư dạy môn học này đã truyền cảm hứng cho cô, khiến cô quyết định học thêm một khóa học khác, rồi trở thành trợ giảng. Sau khi thử nhiều lớp khác nhau của ngành này thì cô thấy mình hợp với Trí tuệ nhân tạo nhất và cuối cùng chọn theo đuổi nó.

Nguyễn Thảo