Trong đó, huyện phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công ty CP Rynan Technologies Việt Nam triển khai tập huấn quy trình báo cáo, nhập, xuất dữ liệu thống kê vào nền tảng chuyển đổi số ngành nông nghiệp cho lãnh đạo, công chức, viên chức ngành huyện, xã, thị trấn; thực hiện báo cáo định kỳ về sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn qua nền tảng chuyển đổi số ngành nông nghiệp.

Bên cạnh đó, huyện thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp và người sản xuất về chuyển đổi số nền tảng số nông nghiệp, thương mại điện tử, các chủ thể sản phẩm OCOP, các hợp tác xã, tổ hợp tác, hội quán nông dân; lồng ghép tuyên truyền vào các lớp tập huấn chuyên đề, lớp dạy nghề nông nghiệp...

Đồng thời tổ chức phổ cập kỹ năng số cho người dân, hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ số thuộc lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn và kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân trên không gian mạng.

Ngoài ra, huyện còn xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn “Phát triển thương mại điện tử - Chiến lược phát triển chuỗi giá trị nông sản huyện Cao Lãnh”. Đến nay, toàn huyện có 46 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, 100% sản phẩm OCOP được đăng bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử (Postmart.vn, Voso.vn, Sendo.vn).

Huyện tranh thủ các nguồn kinh phí chủ động phối hợp với Công ty CP Rynan xây dựng một số phần mềm như: hệ thống giám sát côn trùng thông minh ứng dụng Trí tuệ nhân tạo AI giúp tự động nhận dạng, thống kê và phân tích số lượng, mật độ của các loại côn trùng, thiên địch, sâu hại... Đồng thời xây dựng hệ thống tem QR để quét mã vạch cung cấp cho hợp tác xã kích hoạt tem QR code truy xuất nguồn gốc trên quả xoài; xây dựng Ứng dụng di động “Đồng hành huyện Cao Lãnh”...

Theo Nhật Nam (Báo Đồng Tháp)