Giáo viên bỏ 500 triệu xây nhà rồi phải...rời đi

Trung tuần tháng 10, chia sẻ với VietNamNet, cô giáo Trần Thị Thanh Hải (41 tuổi, ngụ ấp Rạch Bần, xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) vẫn chưa nguôi lo lắng trước cảnh “màn trời chiếu đất”.

Theo cô Hải trình bày, năm 2003, cô về nhận công tác giảng dạy tại Trường Tiểu học 2 Phong Lạc và được bố trí ở tại khu tập thể của xã cạnh sông Ông Đốc, sát trường học.

W-ca-mau-1-1.jpg
Cô Hải chia sẻ việc bất ngờ nhận được thông báo thu hồi đất của UBND xã Phong Lạc. Ảnh: T.T

Tới năm 2006, xã Phong Lạc thực hiện tách làm 2 xã mới. Để đảm bảo về mỹ quan và tạo điều kiện thuận lợi yên tâm công tác, cô Hải cùng một số cán bộ, giáo viên khác được xã chuyển về khu đất công tại ấp Rạch Bần do địa phương này quản lý.

“Khu đất mới khi đó là ao đìa, tôi cùng nhiều gia đình khác phải bỏ tiền san lấp mặt bằng. Năm 2017, tôi cất căn nhà ở tạm. Mãi tới năm 2019, gia đình gom góp, vay mượn khắp nơi mới xây được căn nhà khang trang trị giá hơn 500 triệu đồng”, cô Hải cho hay.

Vào nhà mới chưa lâu, cô Hải bất ngờ nhận được thông báo số 68/TB-UBND ngày 21/9/2022 của UBND xã Phong Lạc đề nghị tháo dỡ, di dời để trả lại hiện trạng đất.

“Mỗi lần được cán bộ UBND xã Phong Lạc mời lên làm việc thực sự rất mệt mỏi. Đây là chỗ ở duy nhất của gia đình, nợ cũ chưa trả hết thì lấy đâu ra tiền mua đất, cất nhà mới. Gia đình 4 người biết đi đâu...”, cô giáo hơn 20 năm cống hiến cho địa phương trăn trở.

W-ca-mau-6-1.jpg
Gia đình cô Hải chưa biết sẽ đi về đâu khi buộc phải di dời... Ảnh: NVCC

Đồng cảnh ngộ, cô giáo Đào Thị Hiền (45 tuổi) cũng chưa biết khăn gói đi đâu. Cha mẹ cô là cựu chiến binh nay đã già yếu, thường xuyên đau ốm, lấy bệnh viện làm nhà. Chi tiêu trong gia đình phụ thuộc vào đồng lương giáo viên ít ỏi cùng người chồng hiện là lao động tự do.

Theo phản ánh của các hộ dân, tại thời điểm năm 2014 đến năm 2022 (khi có thông báo số 68 của UBND xã - PV), họ không nhận được bất cứ thông tin hay văn bản thông báo việc đề nghị tháo dỡ, di dời. Do đó dẫn tới việc người dân bỏ hàng trăm triệu đồng tu sửa, cất nhà mới.

Nhiều năm cống hiến cho địa phương, các cô giáo này mong có phương án giải quyết phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi yên tâm công tác...

Xã cho cán bộ, giáo viên ở trên đất công chưa xin phép huyện?

Theo kết luận số 04/KL-UBND ngày 8/9/2014 của UBND huyện Trần Văn Thời, năm 2006, Ban Thường vụ Đảng uỷ xã Phong Lạc đã họp, thống nhất thông qua cho hơn 20 hộ dân (phần lớn là cán bộ, giáo viên – PV) ở trên phần đất công do xã quản lý nhưng không xin chủ trương của UBND huyện.

Đối với cán bộ nào có nhu cầu ở thì nộp cho xã 4 triệu đồng/nền (chi phí xã san lấp mặt bằng – PV); với giáo viên di dời đến ở thì xã không thu tiền trong thời hạn 5 năm.

Qua kiểm tra, tổng số tiền thu được là 56 triệu đồng. Trong đó, chi bơm đất là 33 triệu đồng, nộp vào ngân sách hơn 6 triệu đồng. Số tiền còn lại hơn 16 triệu đồng được xã Phong Lạc báo cáo chi xây dựng căn tin, nhưng không có chứng từ, không có chữ ký của người nhận tiền.

Từ những kết quả xác minh, UBND huyện Trần Văn Thời kết luận việc UBND xã Phong Lạc cho các hộ dân thuê ở trên phần đất công do xã quản lý mà không có chủ trương của huyện là trái thẩm quyền; đề nghị Ban Thường vụ Huyện uỷ kiểm điểm vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Đảng uỷ xã. 

W-ca-mau-5.jpg
Trước cảnh "màn trời chiếu đất", các hộ dân mong có phương án giải quyết hợp tình, hợp lý. Ảnh: T.T

“Chủ tịch UBND xã Phong Lạc có trách nhiệm thu hồi toàn bộ diện tích mà xã giao cho các hộ dân trên phần đất công của xã. Giao tổ trưởng Tổ xác minh số 3095 và thanh tra huyện kiểm tra, theo dõi việc thực hiện kết luận này…”, kết luận nêu rõ.

Đề cập tới việc không thông báo kết luận tới người dân, một vị lãnh đạo huyện Trần Văn Thời khẳng định không có chuyện đó. Đồng thời, vị này lý giải việc chậm kiểm kiểm tra, theo dõi thu hồi đất bởi đa số hộ thuộc diện khó khăn, không có chỗ ở nên “du di” cho người dân?

Thông tin mới nhất của UBND huyện Trần Văn Thời về việc kiểm tra hiện trạng sử dụng đất của xã Phong Lạc, trong tổng số 22 hộ, 7 hộ đã thực hiện bàn giao đất, 10 hộ thống nhất chủ trương, đang di dời và còn 5 hộ chưa thống nhất.

W-ca-mau-3-1.jpg
Một hộ dân tiến hành tháo dỡ, di dời nhà ở, bàn giao mặt bằng cho địa phương thực hiện quy hoạch, sắp xếp lại khu dân cư. Ảnh: NVCC

Ông Nguyễn Minh Nhứt, Bí thư huyện uỷ Trần Văn Thời khẳng định với trường hợp không có nhà ở, đất ở nơi khác, địa phương nhất quyết không để người dân rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất”. 

Theo ông Nhứt, huyện đang đề nghị UBND xã Phong Lạc phối hợp với Phòng TN&MT tiếp tục làm việc, họp dân lấy ý kiến tạo sự đồng thuận chung.