- Thông tin Nguyễn Hào Anh (cậu bé bị chủ đầm tôm tại Cà Mau ngược đãi 4 năm trước và được cả xã hội thương xót quan tâm, hỗ trợ) đuổi mẹ ruột và cha dượng ra khỏi nhà gây xôn xao dư luận. Nhiều chuyên gia, nhà tâm lý học đã lên tiếng về hiện tượng này.

Hào Anh đuổi bố mẹ ra đường: Chuyên gia không sốc

Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất, nguyên giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã có những chia sẻ trên báo Khám phá. Nhà nghiên cứu này cho hay: "Ở góc độ tâm lý, nên nhìn nhận Hào Anh là một con người. Cậu bé sinh ra lớn lên trong môi trường sống đặc biệt. Có thể môi trường sống sẽ quyết định nhận thức, thay đổi tâm lý. Rõ ràng 4 năm trước, Hào Anh bị hành hạ, đánh đập là một thiệt thòi đối với một đứa trẻ. Hào Anh được xã hội bao bọc, ủng hộ tiền nhưng do có nhiều cạm bẫy không nhận thức được nên chỉ biết ăn chơi, hưởng thụ. Trở lại thời đi làm thuê, Hào Anh bị hành hạ, đối xử tàn nhẫn. Đây là lý do khiến Hào Anh suy sụp về tinh thần, ăn chơi, ngược đãi bố mẹ. Theo tôi, Hào Anh hành động như vậy là kết quả của cách bao bọc không đúng cách của xã hội. Xã hội có giúp đỡ nhưng lại không tới nơi tới chốn. Trên thực tế, những đứa trẻ bình thường không được giáo dục cũng dễ ăn chơi sa đọa, ngược đãi cha mẹ huống chi một đứa trẻ không được học hành như Hào Anh.

Hành động ngược đãi bố mẹ là do hiện tượng sang chấn tâm lý. Thời điểm Hào Anh bỏ nhà đi làm thuê, bị đánh đập đã có nhận thức khác. Hào Anh không thể thân thiện như những đứa trẻ khác. Cậu bé bị chấn động tâm lý từ lúc bị đánh đập, hành hạ sau đó xã hội cưu mang. Lúc này, cậu bé trở lại một dạng tâm lý khác. Cậu bé nghĩ rằng, chính mình làm ra tiền nên chỉ biết hưởng thụ và thiếu trách nhiệm với cha mẹ. Một điều khác, có thể Hào Anh hận bố mẹ không quan tâm. Cậu bé đổ lỗi tại mẹ nên liên tiếp cậu bé có thần kinh mất ổn định. Lúc bị sang chấn tâm lý, cậu bé dễ ấm ức trả thù đời, ngược đãi bố mẹ. Cậu bé ở dạng điên nhất thời. Chỉ cần cha mẹ hơi tác động, Hào Anh lại hóa thành điên và có hành động dại dột.

{keywords}

Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất

Từ nhận thức của lứa tuổi này, Hào Anh không được giáo dục cẩn thận. Xã hội cưu mang, ủng hộ tiền nhưng nhân vật đó không nhận thức ra. Họ nghĩ nghiễm nhiên mình được hưởng. Họ không nhận ra phải có trách nhiệm sử dụng số tiền cho đúng. Mọi hành động đều theo bản năng, cảm hứng. Rõ ràng Hào Anh không được gần gũi các cơ quan, đoàn thể để được hướng dẫn, chia sẻ tâm tư tình cảm. Thiếu môi trường giáo dục, Hào Anh ăn chơi, hành động theo bản năng là điều khó tránh khỏi.

“Đây là sản phẩm của cách chúng ta hỗ trợ người tổn thương”

Về sự việc này, TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cũng đồng quan điểm. TS. Hồng cho biết, cảm giác đầu tiên của bà là buồn và tiếc nuối. Tuy nhiên, TS Hồng không quá ngạc nhiên khi chuyện này xảy ra vì: “Đây chính là sản phẩm của cách chúng ta giải quyết hỗ trợ người bị tổn thương trong xã hội”, TS Hồng nói.

Theo chuyên gia tâm lý này, với một đứa trẻ lớn lên trong môi trường bạo lực như Hào Anh thì nguy cơ có hành vi bạo lực đối với người khác cũng lớn hơn những đứa trẻ khác.

{keywords}

Các chuyên gia tâm lý xã hội cho rằng, đối với những đối tượng như Hào Anh, các cơ quan chức năng cần có hình thức hỗ trợ lâu dài chứ không phải đưa một cục tiền cho nạn nhân rồi muốn làm gì thì làm

“Chúng ta đã giúp đỡ Hào Anh nhưng không tới nơi tới chốn. Nhiều đứa trẻ mới lớn, bình thường nếu không có công ăn việc làm, không được định hướng đúng còn dễ dính vào tệ nạn xã hội nữa là Hào Anh đã từng sống trong môi trường bạo lực, bị sang chấn tâm lý và không được học hành. Đáng ra cậu bé phải được quan tâm nhiều hơn về mặt tâm lý, tinh thần chứ không phải vật chất như vậy”, TS Hồng nêu quan điểm.

TS Khuất Thị Thu Hồng cho rằng, cách giúp đỡ của những nhà hảo tâm không có lỗi. Tuy nhiên, cần phân biệt rõ trách nhiệm của mạng lưới các cơ quan hữu quan, các cơ sở bảo trợ xã hội. “Các nhà hảo tâm giúp đỡ về vật chất, họ không có lỗi. Trách nhiệm còn lại thuộc về các cơ quan chức năng. Đáng ra, các cơ quan này cần có các hình thức hỗ trợ phù hợp về giáo dục, việc làm, giải quyết vấn đề sang chấn tâm lý… Cần có hình thức hỗ trợ lâu dài chứ không phải đưa một cục tiền cho nạn nhân rồi muốn làm gì thì làm”, bà Hồng nói.

Mẹ Hào Anh không nhận ra 'nỗi đau' của con trai

PGS - TS Huỳnh Văn Sơn, một chuyên gia tâm lý học, sống và làm việc tại TP.HCM, cũng có một bài viết về "hiện tượng" Hào Anh trên báo Thanh Niên

Theo tác giả, việc từng bị bạo hành là điều khó có thể quên trong cuộc sống tinh thần và cả thể chất của Hào Anh. Những vết đòn roi, những vết thương vẫn còn hiển hiện trên làn da, trên khuôn mặt… Nhưng không chỉ thế, cái đau và cái xót vẫn còn tồn tại ngay trong chính trái tim của em… Thế nhưng, không phải ai cũng nhận ra điều này và có thể nói mẹ Hào Anh cũng không.

{keywords}

Bao người rơi nước mắt khi nhìn những hình ảnh Hào Anh bị bạo hành năm 14 tuổi

Không trách cứ ai nhưng đó là một sự thật hiển hiện cần phải nhìn nhận. Hào Anh bạo hành mẹ mình, bạo hành cả cha dượng, không hoàn toàn xuất phát từ sự bất hiếu mà có thể đó là sự hụt hẫng tâm lý, sự thoái lùi của những hành vi hướng đến sự chuẩn mực trong đời sống.

Người ta cho Hào Anh tiền, mà quên dạy em tử tế

Tác giả An Yên cũng có 1 bài viết về sự việc Hào Anh trên báo VTC News. Theo tác giả: Phải chăng người ta cho Hào Anh tiền, mà quên mất không đưa em tới trường, và dậy em cách sống để trở thành một con người tử tế? Hay xã hội đón em về mà không nhớ ra, phải thay đổi suy nghĩ của cậu bé từng chịu chấn động tâm lý nặng nề, rằng vợ chồng chủ trại tôm giống, chỉ là những kẻ man rợ còn sót lại giữa cuộc sống đầy lòng bao dung.

Phải chăng người ta quên làm những điều ấy, khiến Hào Anh tự cho mình cái quyền bù đắp những năm tháng từng bị ngược đãi, bằng một cuộc sống trác táng và ngược đãi lại ngay chính người từng mang nặng đẻ đau...

Xã hội đã quên dạy Hào Anh điều gì, hay em tự đánh mất mình ở đoạn đời nào, để từ một người được thương cảm, trở thành một kẻ bị lên án.

Thu An (Tổng hợp)

BẠN NGHĨ GÌ VỀ CÂU CHUYỆN NÀY? MỌI Ý KIẾN XIN GỬI THEO MẪU PHẢN HỒI DƯỚI ĐÂY HOẶC EMAIL [email protected]!TRÂN TRỌNG CẢM ƠN!