Trả lời VietNamNet, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Nguyễn Tô An cho biết, để khôi phục lại các trung tâm đăng kiểm bị đóng cửa vì sai phạm, Cục phải đầu tư lại máy móc, nâng cấp phần mềm và điều động đăng kiểm viên từ nơi khác về làm việc.
Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt nhân sự trầm trọng khiến Cục Đăng kiểm bất đắc dĩ để cả những đăng kiểm viên bị khởi tố nhưng đang được tại ngoại đi làm việc.
Tại Hà Nội, Trung tâm đăng kiểm 29.01V có 4 đăng kiểm viên bị khởi tố nhưng vẫn phải đi làm. Điều này tương tự với 8 đăng kiểm viên bị khởi tố ở Trung tâm 29.06V.
Theo ông An, Cục Đăng kiểm vẫn phải sử dụng những lao động này vì họ hưởng lương hàng ngày và chưa bị tòa kết án.
Về vấn đề này, luật sư Hoàng Minh Hiển (Văn phòng luật sư Hoàng Minh Hiển) cho rằng: Đối chiếu các quy định của pháp luật, việc một số nhân viên của Cục Đăng kiểm bị khởi tố bị can mà không bị áp dụng biện pháp ngăn chặn là tạm giam thì việc họ vẫn đi làm không vi phạm pháp luật.
Để chứng minh, luật sư trích dẫn Điều 30 Bộ luật lao động hiện hành quy định các trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động. Theo đó, các trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động bao gồm người lao động bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.
Điều 34 Bộ luật lao động cũng quy định, các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động gồm: Người lao động bị kết án phạt tù nhưng không được hưởng án treo, hoặc không thuộc trường hợp được trả tự do theo quy định tại khoản 5 Điều 328 của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Người lao động bị tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Luật sư Hoàng Minh Hiển cũng trích dẫn Điều 181 Bộ luật tố tụng hình sự quy định về việc tạm đình chỉ chức vụ bị can đang đảm nhiệm.
Theo đó, khi xét thấy việc bị can tiếp tục giữ chức vụ gây khó khăn cho việc điều tra, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý bị can tạm đình chỉ chức vụ của bị can.
Các biện pháp thay thế tạm giam được quy định tại các điều 121 (Bảo lĩnh), điều 122 (Đặt tiền để bảo đảm) và điều 123 (Cấm đi khỏi nơi cư trú). Theo đó, người bị áp dụng các biện pháp không phải tạm giam thì phải tuân thủ các quy định và thực hiện nghĩa vụ cụ thể của từng biện pháp mà cơ quan điều tra áp dụng đối với bị can.
Còn theo luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn luật sư TP.HCM), không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án có hiệu lực pháp luật tuyên họ phạm tội. Họ bị khởi tố, chỉ bị hạn chế một số quyền. Họ vẫn có các quyền của công dân, trong đó có quyền lao động.
Các đăng kiểm viên phần lớn làm việc với tư cách là viên chức, một số làm việc theo hợp đồng lao động. Pháp luật về lao động không điều chỉnh dừng hợp đồng lao động với trường hợp bị khởi tố nhưng không bị bắt tạm giam.
Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 của Chính phủ qui định về xử lý kỷ luật viên chức, nêu: “Các trường hợp chưa xem xét kỷ luật gồm: Cán bộ, công chức, viên chức đang bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật, trừ trường hợp theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Theo đó, viên chức đã bị khởi tố nhưng chưa có bản án vẫn chưa bị xem xét kỷ luật. Họ được phép tiếp tục công việc và hưởng lương cho đến khi có bản án có hiệu lực pháp luật.
Như vậy, đăng kiêm viên bị khởi tố đang tại ngoại được trở lại tiếp tục làm việc là phù hợp với các quy định pháp luật.