- Theo tính toán, khoảng 10h ngày 5/10, bão số 4 có thể đổ bộ vào Quảng Ninh - Hải Phòng với sức gió mạnh cấp 9-10 và có khả năng mạnh thêm.
Tại cuộc họp trực tuyến về công tác chống bão số 4 chiều nay, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, bão số 4 (tên quốc tế Mujigae) là cơn bão đặc biệt, phát triển từ áp thấp thành bão rất nhanh, ngay trên đất liền của Philippines và chính thức đi vào biển Đông nước ta lúc 8h sáng nay.
Bão số 4 có thể đổ bộ Quảng Ninh - Hải Phòng vào sáng 5/10 |
Đến 14h chiều nay, bão còn cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 700km. Sức gió mạnh nhất ở gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 10-11. Bão đang di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc với vận tốc 20-25km/h. Dự báo sau khoảng 48 giờ nữa, bão sẽ mạnh lên cấp 10-11.
Vùng nguy hiểm của bão được xác định toàn bộ đông bắc biển Đông.
Về đường đi của bão số 3, có 3 kịch bản được đưa ra, trong đó khả năng lớn nhất bão sẽ đổ bộ vào Quảng Ninh - Hải Phòng, trọng tâm là Quảng Ninh vào 10h sáng 5/10 với sức gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 11-12.
Sau đó, bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, di chuyển lên phía Bắc, gây mưa lớn 300-500mm cho toàn bộ khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trong 3 ngày từ 5-7/10.
Huy động 2 máy bay, gần 70.000 người sẵn sàng chống bão
Theo báo cáo của đại diện Bộ Quốc phòng, trước diễn biến nhanh của bão số 4, lực lượng bộ đội biên phòng các tỉnh đã thông báo, hướng dẫn cho 46.000 phương tiện, lồng bè biết hướng đi của bão để chủ động phòng tránh, neo đậu.
Hơn 67.000 người gồm bộ độ biên phòng, cảnh sát biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An đã được Bộ Quốc Phòng huy động cùng với 2 máy, 18 tàu cảnh sát biển, 1.180 ô tô, xe thiết giáp... sẵn sàng chống bão.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp chống bão số 4. Ảnh: T.Hạnh |
Chủ trì cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, bão số 4 càng vào bờ càng mạnh thêm trong khi hiện vẫn còn gần 200.000 ngư dân đang hoạt động trên vùng nguy hiểm nên cần khẩn trương kêu gọi tàu thuyền neo đậu, trú tránh. Khi cần hỗ trợ, Bộ Ngoại giao sẽ gửi công hàm cho các nước để ngư dân lên các đảo của các nước tránh bão.
Phó Thủ tướng lưu ý, bão số 4 khi đổ bộ sẽ gây mưa lớn nên tất cả các địa phương không được chủ quan.
"Dự báo nói mưa 300-500mm nhưng cục bộ có thể lên tới 1.000mm. Đến nay Việt Nam cũng như trên thế giới chưa thể dự báo chính xác được lượng mưa, do đó cần phải sẵn sàng mọi tình huống xấu nhất để hạn chế tối thiểu thiệt hại", Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Rút kinh nghiệm từ cơn bão số 3 vừa qua-thiệt hại về bão không lớn nhưng thiệt hại do mưa lũ rất lớn, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương tạo thêm luồng thoát lũ, rà soát, quy hoạch lại khu dân cư, sẵn sàng sơ tán dân ngay khi mưa lớn.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cũng yêu cầu, việc cung cấp thông tin về tình hình cơn bão phải đến được từng hộ gia đình. Ông đề nghị khi cơn bão áp sát, Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương phải cập nhật tin bão từng giờ thay vì 2-3 tiếng như trước kia.
Thúy Hạnh