Năm 2024, huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn phấn đấu lập hồ sơ theo dõi và khám sức khỏe định kỳ 1 lần/năm cho người từ 60-79 tuổi tại các xã đạt từ 80% trở lên. Tỷ lệ này với người từ 80 tuổi trở lên là 100%.
Tại huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được Trung tâm Y tế Hữu Lũng quan tâm. Trong tháng 5 và tháng 6, Trung tâm Y tế huyện tổ chức khám sức khỏe cho người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên), ưu tiên các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, neo đơn trên địa bàn toàn huyện.
Tính đến giữa tháng 6, các trạm y tế xã, thị trấn đã tổ chức khám sức khỏe cho 3.320 lượt người cao tuổi, gồm khám sức khoẻ tổng quát, siêu âm ổ bụng và đo mật độ xương, soi đáy mắt.
Cũng trong tháng 6, Trung tâm Y tế Hữu Lũng tổ chức khám sàng lọc mắt cho người dân thuộc diện người khuyết tật, người nghèo, cận nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn nhằm phát hiện các trường hợp mắc đục thủy tinh thể để đăng ký tham gia chương trình “Khám sàng lọc phẫu thuật đục thủy tinh thể cho người khuyết tật, người nghèo, cận nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn”.
Thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Hữu Lũng, đơn vị này đặt mục tiêu trong năm 2024 tiếp tục thực hiện đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi thông qua các hoạt động thiết thực giúp các cụ sống vui – khỏe – có ích cho xã hội.
Huyện phấn đấu lập hồ sơ theo dõi và khám sức khỏe định kỳ 1 lần/năm cho người từ 60- 79 tuổi tại các xã đạt từ 80% trở lên. Người từ 80 tuổi trở lên được lập hồ sơ và khám sức khỏe định kỳ đạt 100%.
Cùng đó, các hoạt động tư vấn truyền thông về chăm sóc, tự chăm sóc sức khỏe và hướng dẫn phòng bệnh các bệnh thường gặp ở người cao tuổi tiếp tục được thực hiện, bên cạnh việc tăng cường công tác truyền thông tại cộng đồng hưởng ứng công tác hành động về chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi.
Tại huyện vùng núi này, công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi luôn được chú trọng. Mặc dù Trung tâm Y tế Hữu Lũng chưa có phòng khám riêng cho người cao tuổi, nhưng lãnh đạo trung tâm luôn quan tâm, bố trí ưu tiên cho người cao tuổi đến khám và điều trị tại đơn vị. 24 trạm y tế xã, thị trấn cũng được chỉ đạo tổ chức thực hiện khám chữa bệnh định kỳ hàng năm cho người cao tuổi theo quy định của Luật Người cao tuổi và các văn bản hướng dẫn, nhằm nâng cao chất lượng mạng lưới y tế cơ sở chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh, khám, chữa bệnh và quản lý các bệnh mãn tính cho người cao tuổi trên địa bàn huyện.
Theo báo cáo, năm 2023, các trạm y tế cấp xã tại huyện Hữu Lũng tổ chức khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm cho 11.980 người cao tuổi. Hơn 11.200 người cao tuổi được tuyên truyền phổ biến kiến thức về chăm sóc và tự chăm sóc sức khỏe. Gần 1.900 người cao tuổi bị tàn tật, di chứng chấn thương, tai nạn, tai biến, bệnh mạn tính, bệnh nghề nghiệp được phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng. Tỷ lệ lượt người cao tuổi đến khám chữa bệnh tại cơ sở y tế đạt 27,2%.
Trung tâm Y tế Hữu Lũng cử cán bộ hỗ trợ trạm y tế các xã, thị trấn khám sức khoẻ tổng quát, siêu âm, đo mật độ xương cho người cao tuổi. Ngoài ra, đơn vị phối hợp với Bệnh viện Mắt Hải Phòng khám và phát thuốc 218 lượt người; phối hợp với Trung tâm Y tế Cao Lộc khám và mổ mắt cho nhân dân trên địa bàn huyện Hữu Lũng có bệnh về mắt. Gần 130 bệnh nhân có bệnh về mắt đủ điều kiện sức khỏe đã được phẫu thuật, trong đó phẫu thuật đục thủy tinh thể cho 81 bệnh nhân, phẫu thuật cắt mộng mắt cho 48 bệnh nhân.
Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021 - 2030 đặt mục tiêu giai đoạn 2022-2025: 95% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế; ít nhất 90% người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe ban đầu kịp thời, khám sức khỏe định kỳ, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe; 100% người cao tuổi khi ốm đau, dịch bệnh được khám chữa bệnh và được hưởng sự chăm sóc của gia đình và cộng đồng;
Hàng năm, ít nhất 80% người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật được tiếp cận các dịch vụ y tế dưới nhiều hình thức khác nhau; 70% người cao tuổi khuyết tật được sàng lọc, phát hiện các dạng khuyết tật và được can thiệp, phục hồi chức năng; ít nhất 10.000 người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, không có người phụng dưỡng được chăm sóc, phục hồi chức năng và trợ giúp phù hợp tại các cơ sở phục hồi chức năng và cơ sở trợ giúp xã hội...