Bộ Y tế đề xuất phạt tiền 1-2 triệu đồng đối với hành vi sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; nếu tái phạm sẽ phạt tiền gấp 2 lần, đồng thời gửi thông báo xử phạt tới cơ quan, tổ chức người vi phạm làm việc, học tập.
Bộ Y tế ngày 16/1 cho biết đang lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 117/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Việc lấy ý kiến này sẽ kết thúc vào ngày 3/3.
Hiện chưa có chế tài xử lý hành chính đối với hành vi chứa chấp và sử dụng thuốc lá điện tử
Ngày 30/11/2024, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 173, trong đó có nội dung “Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025".
Trong Dự thảo Tờ trình, Bộ Y tế cho biết hiện hành vi sản xuất, kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển, quảng cáo hàng cấm đã có các chế tài xử phạt tại Điều 8 Nghị định số 98/2020, Điều 33 Nghị định số 38/2021 của Chính phủ và Điều 90, 91 Bộ Luật Hình sự.
Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, hiện chưa có chế tài xử lý hành chính đối vớihành vi “chứa chấp” và “sử dụng” thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Đề xuất phạt từ 1 - 2 triệu đồng đối với hành vi sử dụng thuốc lá điện tử
Trong Dự thảo Nghị định sửa đổi, Bộ Y tế đề xuất hình thức xử phạt vi phạm quy định sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, cụ thể:
- Phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với hành vi sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, nếu tái phạm sẽ phạt tiền gấp 2 lần.
- Tịch thu thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đối với các hành vi vi phạm.
Về biện pháp khắc phục hậu quả, Bộ Y tế đề xuất buộc tiêu hủy thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; đặc biệt, "gửi thông báo xử phạt vi phạm hành chính tới cơ quan, tổ chức người vi phạm làm việc, học tập để cơ quan, tổ chức đó xử lý theo quy định, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức.
Tại Việt Nam, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang tăng nhanh, có xu hướng gia tăng sử dụng sản phẩm này ở trẻ em gái.
Theo Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại 34 tỉnh, thành phố năm 2020, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở người trưởng thành (15 tuổi trở lên) tăng 18 lần (từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020), trong đó tỷ lệ sử dụng cao nhất tập trung ở nhóm tuổi 15-24 với tỉ lệ là 7,3% sau đó là các nhóm tuổi 25 - 44 tuổi (3,2%).
Năm 2023, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 tăng lên 8,1% (trong khi 4 năm trước đó là 2,6%). Tỷ lệ này ở ở nhóm 13-15 tuổi là 8%. Ở nữ giới tuổi 11-18, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 4,3% năm 2023.
Theo Bộ Y tế, các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ngoài tính chất độc hại, gây bệnh, còn gây nghiện nicotin, và nghiện ma túy do tình trạng “núp bóng” thuốc lá điện tử trộn ma túy.
Năm 2023, Bộ Công an đã khởi tố tội phạm về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có ma túy tổng cộng 86 vụ với 155 đối tượng. Quý I/2024, Bộ Công an đã khởi tố 33 vụ với 73 đối tượng. Điều này cho thấy sự gia tăng nhanh chóng, báo động các vi phạm này.
Năm 2023, tỷ lệ trẻ em dưới 18 tuổi nhập viện do thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là 71 người (chiếm 5,8% tổng số ca nhập viện do "thủ phạm" này).
Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là gì?
Trong Dự thảo Nghị định, Bộ Y tế giải thích:
- Thuốc lá điện tử bao gồm thiết bị điện tử và dung dịch thuốc lá điện tử, được làm nóng khi dùng để tạo ra khí hơi cho người dùng hít vào; có bề ngoài giống sản phẩm thuốc lá điếu hoặc các hình dạng khác, bao gồm loại chứa nicotine hoặc không chứa nicotine, được thiết kế để có thể dùng một lần hoặc tái nạp dung dịch thuốc lá điện tử để dùng nhiều lần.
- Thuốc lá nung nóng bao gồm thiết bị điện tử và sản phẩm chứa sợi thuốc lá, bột thuốc lá hoặc các chất liệu khác tẩm nicotine có hình dạng điếu thuốc lá, dạng viên nang hoặc các dạng khác; không đốt cháy trực tiếp như đối với thuốc lá điếu để tạo ra các khí hơi; bao gồm cả sản phẩm lai có chứa dung dịch thuốc lá điện tử.