Áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy: Trong giai đoạn 2007-2017, năng lượng đã có sự tăng trưởng nhanh chóng. Giá trị sản xuất trong ngành năng lượng tăng 6 lần, sản lượng điện tăng hơn 3,3 lần. Như vậy, rõ ràng, các doanh nghiệp ngành năng lượng đã có đóng góp rất to lớn.
Điện mặt trời, điện gió thu hút nguồn lực lớn của tư nhân thời gian qua. Ảnh: L.Bằng |
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng đóng góp ngân sách nhà nước hơn 204.000 tỷ đồng, chiếm 17,8% thu ngân sách nhà nước. Rõ ràng ngành năng lượng và các doanh nghiệp trong ngành đã đóng góp trực tiếp cho phát triển kinh tế.
Năng lượng cũng là ngành thiết yếu đóng góp quan trọng cho các ngành kinh tế, không chỉ đảm bảo thiết yếu cho sản xuất của nền kinh tế, đời sống xã họi của nhân dân về điện năng, mà ngành điện còn cung cấp các chỉ tiêu đầu vào quan trọng cho các ngành, phân ngành kinh tế. Chính vì vậy, suốt 10 năm qua, các thị trường các hạ tầng quan trọng đều đáp ứng phát triển của đất nước. GDP tăng trưởng 6,5-7%/năm thì yêu cầu phát triển điện năng phải đảm bảo 11-11,5%/năm. Trên thực tế, sự phát triển của ngành năng lượng thời gian qua là nền tảng thiết yếu, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế đất nước.
Để ngành năng lượng phát triển bền vững hơn, Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ban Kinh tế Trung ương là cơ quan Thường trực, tham mưu Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết này.
Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng: “Đến nay đất nước chúng ta đang chuyển sang một giai đoạn phát triển mới có những thay đổi về chất, đòi hỏi ngành năng lượng Việt Nam cũng phải có những bước phát triển mới”, ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.
Trước tình hình đó, ngày 11/2/2020 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55 về định hướng chiến lược năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Tại Nghị quyết này, Bộ Chính trị đã đưa ra 5 quan điểm chỉ đạo rất toàn diện và sâu sắc.
Đề cập đến hai quan điểm có ý nghĩa then chốt của Nghị quyết này, ông Nguyễn Văn Bình chia sẻ: Thứ nhất là, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, vừa là tiền đề, vừa là động lực phát triển kinh tế xã hội. Ưu tiên phát triển ngành năng lượng nhanh, bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo đảm môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng an ninh, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, và là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
Thứ hai, phát triển năng lượng quốc gia phải phù hợp với thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và xu thế hội nhập quốc tế. Nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch với nhiều hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh. Áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng.
“Khuyến khích tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng. Kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh thiếu bình đẳng, minh bạch trong ngành năng lượng”, ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.
Lĩnh vực độc quyền nhà nước như truyền tải cũng dần xuất hiện bóng dáng của tư nhân. |
Rộng cửa cho tư nhân, đẩy nhanh cổ phần hóa
Đánh giá về sự tham gia của tư nhân vào lĩnh vực năng lượng, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương chia sẻ: Có thể nói, chúng ta đã đạt được nhiều dấu ấn rất tích cực trong việc huy động các nguồn lực xã hội, tư nhân phục vụ phát triển năng lượng. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực điện năng, có 28% tổng công suất phát đến từ khu vực doanh nghiệp tư nhân, dưới các hình thức đầu tư đa dạng và hiệu quả. Khu vực tư nhân với hàng loạt cơ chế chính sách nhà nước đã tạo được thế đứng trong lĩnh vực năng lượng.
Theo ông Trần Tuấn Anh, Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đặc biệt có ý nghĩa. Bởi Nghị quyết không chỉ nêu bật những định hướng quan trọng, nguyên tắc, mục tiêu để tiếp tục xóa bỏ rào cản, tạo môi trường minh bạch thông thoáng cho các thành phần kinh tế, nhất là khu vực tư nhân tham gia vào các lĩnh vực tiềm năng nói chung và năng lượng ở Việt Nam nói riêng mà còn xác định rõ chiến lược về định hướng phát triển bền vững năng lượng quốc gia...
Đẩy mạnh cổ phần hóa cũng là một giải pháp quan trọng thu hút tư nhân vào năng lượng. Tuy nhiên, ông Trần Tuấn Anh cũng thừa nhận thời gian qua vẫn còn nhiều tồn tại khó khăn trong việc cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty trong ngành điện, cũng như dầu khí... Vướng mắc lớn nhất qua thực tiễn có thể thấy là liên quan đến hướng dẫn, quy định của luật pháp về giá trị doanh nghiệp và giá trị của đất đai, khung pháp lý hướng dẫn xây dựng giá trị doanh nghiệp… Điều này cũng là thực tế vì luật pháp đang tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện nên cũng bộc lộ nhiều bất cập. Vì vậy, Chính phủ đang chỉ đạo tập trung hoàn thiện khung pháp lý, có những hướng dẫn cụ thể.
“Tôi hy vọng để đón đầu Nghị quyết 55, công tác cổ phần hóa, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước, cũng như việc xây dựng thị trường điện cạnh tranh sẽ có những thuận lợi và được thực hiện hiệu quả”, ông Trần Tuấn Anh chia sẻ.
Hà Duy
Chiến lược mới, cung cấp đủ nhu cầu năng lượng cho đất nước
Nghị quyết của Bộ Chính trị nhìn nhận ngành năng lượng nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức