- Trong khoảng 10 ngày tới, hệ thống điện quốc gia sẽ bị thiếu hụt nguồn nhiệt điện khí, vốn đang cung cấp tới 31,4% sản lượng điện cả nước hiện nay. EVN cam kết sẽ đổ dầu để chạy phát điện bù lại.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa cho hay, hệ thống cung cấp khí Nam Côn Sơn sẽ ngừng cấp khí trong 10 ngày, bao gồm ngày 7/9 và từ ngày 9 - 16/9/2013. Cụ thể mỏ 06.1 (mỏ Lan Tây) sẽ ngừng cấp khí để bảo dưỡng sửa chữa.

Kế hoạch này dẫn đến khả năng cấp khí Nam Côn Sơn giảm từ 21,5 triệu m3/ngày xuống còn 5,5 triệu m3/ngày. Trong đó, riêng ngày 8/9, Nhà máy xử lý khí Nam Côn Sơn sẽ được đưa vào bảo dưỡng sửa chữa toàn toàn nên sẽ mất toàn bộ nguồn khí Nam Côn Sơn.

Như vậy, trong thời gian công tác hệ thống cung cấp khí Nam Côn Sơn, lượng khí cấp cho các nhà máy điện rất thấp, chỉ bằng ¼ năng lực bình thường của hệ thống khí, trong đó có 1 ngày khả năng cấp khí bằng 0.

{keywords}

Đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn

Để bù đắp lượng điện thiếu hụt từ nguồn khí này, EVN cho biết sẽ huy động các tổ máy chạy khí khu vực Phú Mỹ-Bà Rịa sang vận hành bằng nhiên liệu dầu DO (nhiên liệu phụ) và huy động thêm các tổ máy nhiệt điện chạy dầu FO và tuabin khí chạy dầu chu trình đơn tại Thủ Đức, Cần Thơ.

Dự kiến sản lượng huy động bằng nhiên liệu dầu trong thời gian này là khoảng 358,9 triệu kWh, gồm 321,4 triệu kWh chạy bằng dầu DO và 37,4 triệu kWh chạy bằng dầu FO.

Đồng thời, EVN sẽ huy động tối đa các nhà máy thủy điện miền Nam trong thời gian ngừng cấp khí, đảm bảo công suất khả dụng cao nhất cho hệ thống điện miền Nam.

EVN cũng phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để bổ sung nguồn khí từ mỏ Hải Thạch – Mộc Tinh trong thời gian ngừng lô 06.1 mỏ Lan Tây.

Theo tính toán của EVN, với các giải pháp nêu trên, việc cung cấp điện cho khách hàng khu vực phía Nam sẽ được đảm bảo.

Theo EVN, nguồn khí thiên nhiên cung cấp cho các nhà máy điện tuabin khí khu vực Đông Nam Bộ được lấy từ bể khí Nam Côn Sơn gồm các mỏ khí: Lan Tây, Lan Đỏ, Hải Thạch, Mộc Tinh, Rồng Đôi…

Hệ thống cung cấp khí Nam Côn Sơn đã cung ứng lượng nhiên liệu rất lớn cho các nhà máy điện khu vực Đông Nam Bộ với tổng công suất lắp đặt xấp xỉ 5.300MW (không bao gồm Nhà máy điện Hiệp Phước), chiếm 19% tổng công suất đặt toàn hệ thống.

Sản lượng điện huy động tối đa từ nguồn khí này (tương ứng mức tiêu thụ khí 21,5 triệu m3/ngày) khoảng 118 triệu kWh, chiếm khoảng 31,4% sản lượng điện toàn hệ thống trong giai đoạn hiện nay.

Phạm Huyền