Văn hoá Việt Nam xét về bản chất là một nền văn hoá xóm làng. Làng Việt Nam từ lâu đã là nơi sinh ra và bảo lưu văn hoá làng – văn hoá dân tộc. Cho đến nay, văn hoá làng vẫn tồn tại với sự cô động trong lối sống, phong tục tập quán, tín ngưỡng, văn hoá dân gian…. Bởi vậy, tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng là một tín ngưỡng khá phổ biến ở nhiều vùng miền.

{keywords}
Đình Quan Nhân còn gọi là đình Mọc Quan Nhân, chính điện thờ Trung Nghĩa đại vương Hùng Lãng công, con thứ của Ninh Hải quận vương, cháu vua Hùng Việt Vương, trước kia trấn trị huyện Vũ Tiên (Thái Bình), sau về trị nhậm vùng Quan Nhân.

Thành hoàng làng (Thành hoàng) là danh từ chung để chỉ vị thần được thờ trong làng xã Việt Nam. Giống như Táo công và Thổ công, Thành hoàng cai quản và quyết định họa phúc của một làng và thường được thờ ở đình làng. Do vậy, hầu hết ở mỗi làng quê hay phố nghề (nơi thị thành) đều lập đình (hoặc đền, miếu) thờ vị Thành hoàng của làng hay phường hội. Thành hoàng là người có công với dân, với nước, lập làng, dựng ấp hay sáng lập nên một nghề (ông tổ của nghề).

Theo cấc nhà nghiên cứu, tín ngưỡng thờ Thành hoàng du nhập vào Việt Nam từ thời Bắc thuộc với Tô Lịch là người đầu tiên được tôn làm Thành hoàng vào năm 823. Thành hoàng thờ ở làng chắc chắn có từ thời Trần. Sang thời Nguyễn, miếu thờ Thành hoàng đã lập ở kinh đô Huế vào năm 1809 và ở các tỉnh từ năm 1841. Việc thờ Thành hoàng dưới thời Nguyễn đã thực sự phát triển mạnh, có quy củ theo luật lệ triều đình, trở thành nét tín ngưỡng không thể thiếu của làng Việt, với 6 loại thần (Thiên thần, Thổ thần, Sơn thần, Thủy thần, Dương thần, âm thần), được liệt vào ba hạng (thượng đẳng, trung đẳng, hạ đẳng).

Theo sách “Khâm Định Đại Nam Hội điển sự lệ”, ở kinh đô Huế vào thời Nguyễn, việc tế tự các thần được thực hiện ở đàn, đền, miếu…. Riêng miếu thờ có nhiều loại như miếu thờ Công thần mở nước, miếu thờ Công thần đời Trung Hưng, miếu thờ Công thần Trung tiết, miếu thờ Công thần các trực, tỉnh; miếu Tiên y, miếu thờ Thần mưa, miếu thờ Thần gió, miếu thờ Nam Hải Long Vương, miếu thờ Thần cửa bể Tư Hiền, miếu thờ Hà Bá, miếu thờ Thần lửa, miếu thờ Thần súng, miếu Hội đồng, miếu thờ Thành hoàng…. Ở kinh đô Huế miếu thờ Thành hoàng lập năm 1809: “Gia Long năm thứ 8, chuẩn lời nghị; làm miếu ở bên hữu trong kinh thành, chính giữa đặt một án phụng thờ Thành hoàng ở kinh đô, 2 bên chái bên đông bên tây đều đặt 5 án thờ phụ, phụng thờ các Thành hoàng tỉnh…”8.

Minh Mạng năm thứ 20 (1839), chuẩn lời tâu của bộ lễ đổi miếu Hội đồng thành miếu Thành hoàng: “Khi mới khôi phục nước nhà, đã dựng miếu thờ Thành hoàng, lại dựng thêm hai nhà tòng tự. Nhà bên tả thờ các vị thần Thành hoàng các tỉnh từ Quảng Bình trở vào Nam. Nhà bên hữu thờ các vị thần Thành hoàng từ Hà Tỉnh trở ra Bắc. Các tỉnh có riêng miếu Hội đồng phụng thờ các vị thần kỳ, mà không đặt riêng miếu thờ Thành hoàng bản hạt. Ôi! Thành hoàng trừ tai ngăn hoạn, thật có công đức với dân. Các nơi sở tại đặt nhà riêng là lễ vậy; xin hạ lệnh cho các địa phương lập thêm thần vị Bản cảnh Thành hoàng ở trong miếu Hội đồng. Bàn thờ các vị thần kỳ đem đặt ở hai gian bên tả bên hữu. Khắc lại cái biển treo trong miếu làm miếu Thành hoàng. Các bài vị tòng tự trong miếu Thành hoàng ở kinh đô đều đem rước ra đốt cháy”9.

Nhưng khi Thiệu Trị lên ngôi, vua cho thành lập miếu Thành hoàng ở các tỉnh, còn miếu Hội đồng vẫn giữ như cũ. “Thiệu Trị năm đầu (1841) xuống dụ: Từ trước đến giờ thần vị Thành hoàng các trực tỉnh, từng được phụ thờ ở miếu Đô Thành hoàng tại kinh thành. Năm trước Bộ lễ nghị xin cho các hạt làm thần bài, bày thờ ở miếu Hội đồng thực hạt mình, rồi đổi gọi miếu Hội đồng là miếu Thành hoàng…. Trẫm kính nối nghiệp lớn, được theo chí tiên đế cử hành lễ trọng, sắp đặt phẩm trật các thần, nghĩ rằng: Các vị thần trước đây ở miếu Hội đồng, phần nhiều là thượng đẳng thần, giúp nước che chở dân, có công đức rõ rệt, chưa tiện cho thay đổi ngay…. Vậy thông dụ cho các trực tỉnh được làm miếu riêng thờ Thành hoàng ở nơi gần tỉnh, thành, doanh để chỗ tôn thờ; còn miếu Hội đồng cũ vẫn cho phụng thờ theo như trước, không nên thay đổi”10. Như vậy từ năm 1841 thời Thiệu Trị, ngoài miếu Thành hoàng ở kinh đô Huế, các tỉnh/thành đều có miếu thờ Thành hoàng.

...Vv..Vv...

Riêng Nam bộ một số nơi có miếu thờ Thành hoàng khá sớm. Chẳng hạn ở Gia Định, miếu Thành hoàng được xây dựng vào năm 1807, trước hai năm so với miếu Thành hoàng ở kinh đô Huế: “Ở phía Nam sông Tân Bình, cách phía đông nam trấn 6 dặm rưỡi, nguyên xưa là ngôi đình cúng tế các vị âm thần. Năm Gia Long thứ 6 (Đinh Mão, 1807) phụng chỉ dựng nhà ngói làm miếu Thành hoàng trong trấn, xuân thu 2 kỳ tế lễ, trấn quan đến hành lễ”11. Cũng theo sách “Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ”, Thiệu Trị năm thứ 7 (1847) đã có Thành hoàng ở kinh đô, các tỉnh và xã. Thành hoàng ở các tỉnh vốn là một vị thần giữ coi đất cho một tỉnh và được thờ ở miếu Thành hoàng. Nhưng vấn đề đặt ra là Thành hoàng ở các dân xã thì có từ bao giờ.

Việc thờ Thành hoàng xét cho cùng là sự thờ phụng luật lệ làng xã, lề thói gia phong của làng. Cùng với thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng đem lại cho người dân ý thức hướng về cội nguồn, quê cha đất tổ bằng những biểu hiện sinh hoạt văn hoá truyền thống.

Hồng Khanh
Ảnh: Hoàng Hiệp