Các học viên của lớp học gặp nhau không chỉ vì họ là các mẹ, các chị là người thân của các đối tác tài xế Gojek, hoặc chính là các tài xế Gojek, mà còn hội tụ ở ước mơ được làm chủ một gian hàng ẩm thực online nhằm tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Vốn đã quá quen thuộc với việc bếp núc, nằm lòng cách nấu nhiều món ăn ngon, nhưng những con người đơn thuần, giản dị này vẫn háo hức cắp sách đi học. Bởi lẽ đây không phải là một lớp học nấu ăn thông thường mà là một chuỗi các buổi đào tạo bài bản, giúp họ mau chóng hiện thực hoá ước mơ mở một “căn bếp online” ngay tại nhà.
Khóa đào tạo này nằm trong dự án “Để không ai bị bỏ lại phía sau - Mùa 2” của Gojek, nhằm hỗ trợ người thân của các bác tài khởi nghiệp kinh doanh ăn uống trên nền tảng công nghệ. Các buổi đào tạo bao gồm: lập kế hoạch tài chính và quản lý cửa hàng, xây dựng và quản lý gian hàng trực tuyến, kỹ thuật nấu ăn, pha chế các món phổ biến; nguyên tắc cơ bản về vệ sinh an toàn thực phẩm, cách chọn nguyên vật liệu và chế biến thực phẩm an toàn… Các món đồ ăn, thức uống trong khoá đào tạo được lựa chọn dựa trên tiêu chí giúp giảm thiểu các rào cản đối với việc khởi nghiệp kinh doanh như: dễ nấu, chi phí nguyên vật liệu thấp và dễ bán.
Dù đã quá quen thuộc với công việc bếp núc nhưng các học viên vẫn rất chú tâm học tập và trau dồi kỹ năng nấu nướng của bản thân. |
Là một người đã có kinh nghiệm buôn bán và sành nấu nướng nhưng chị Phượng Yến (42 tuổi, quận 8, TP.HCM) vẫn chăm chỉ đến lớp không thiếu buổi nào. Chị cho biết: “Tôi kinh doanh đồ ăn vặt cũng một thời gian rồi, trước cũng có khách ra khách vào, nhưng từ khi chuyển từ ngoài mặt đường vô hẻm thì khách vắng hẳn. Vậy nên tôi muốn mở bán online để có nguồn khách ổn định hơn. Tôi thấy điều đặc biệt ở khóa học này là nó không những cung cấp thêm cho tôi kiến thức về nấu ăn mà còn được học thêm về quản lý, quảng cáo, tiếp thị. Buôn bán nhỏ trước nay hay làm theo cảm tính nhưng nay được học hành bài bản, tôi thấy hữu ích lắm”.
Tương tự chị Yến, chị Kim Vi (33 tuổi, quận 8, TP.HCM) tham gia khóa đào tạo cũng với mong muốn thêm tự tin và kiến thức để có thể sở hữu riêng cho mình một gian hàng online. Chị tâm sự: “Trước tôi từng bán bánh tráng trộn dạo ở nhiều nơi nhưng không được khả quan, khi thì ế ẩm, khi lại bị những người khác “ăn hiếp” vì họ thấy mình giành mất khách của họ. Nhà tôi thì ở hẻm sâu nên nếu mở quán kiểu thông thường thì chả mấy người biết mà mua. Vì vậy, tôi thấy bán qua app là phù hợp, vừa có thêm thời gian chăm con, vừa quảng bá cho nhiều khách ở các quận khác biết tới”.
Còn đối với chị Thúy Phượng (42 tuổi, quận 10, TP.HCM), khóa đào tạo là cơ hội để chị thoát khỏi cảnh “buôn thúng bán bưng” bấp bênh ngoài chợ, tạo ra cơ hội thu nhập mới. “Lúc đầu khi chồng khuyên đi học, tôi ngại lắm vì ở tuổi tứ tuần còn đến lớp học nấu ăn. Xưa giờ buôn bán ngoài chợ quen rồi, tự dưng đi học như làm lại từ đầu mà không biết sẽ tới đâu nữa. Ai ngờ, học được mấy hôm lại mê luôn” - chị Phượng hồ hởi kể lại.
Các học viên nhận Chứng nhận từ chương trình đào tạo và bắt tay vào việc tạo lập gian hàng cho chính mình. |
Điều đặc biệt nhất là Gojek cam kết hỗ trợ các học viên mở cửa hàng trực tuyến trên nền tảng đặt món GoFood của Gojek và tài trợ một phần chi phí mua sắm các vật dụng nấu nướng cần thiết, với mức 2 triệu đồng/gian hàng trực tuyến. Được tạo cơ hội tối đa, các chị em rất cố gắng học hỏi.
Gần 3 tháng giãn cách xã hội, các cửa hàng bán đồ ăn tại chỗ phải đóng cửa để đảm bảo các quy định phòng dịch, các học viên lại càng thấy thấm thía sự cần thiết phải tạo cho mình một gian hàng online để không bị phụ thuộc vào thời điểm và mặt bằng bán hàng. “Trước đây, tôi nghĩ đơn giản kinh doanh cửa hàng ăn uống chỉ cần bán tại chỗ là đủ, ai thích ăn thì mua thôi. Khi học xong tôi mới thấy mình phải kinh doanh online để nhiều người biết đến quán mình hơn, đặc biệt trong lúc giãn cách, khi mọi người chuyển qua mua online thì việc kinh doanh trên nền tảng là một giải pháp hiệu quả,” chị Phượng cho biết.
Chị Phượng đã mở thành công một gian hàng trên GoFood mang tên Nước ép Hùng, Lê Hồng Phong, có đồng ra đồng vô để giảm bớt gánh nặng kinh tế, và điều quan trọng hơn là chị có thời gian chăm lo cho gia đình, chăm sóc con cái. Chị cho biết những kiến thức của khóa học từ chương trình “Để không ai bị bỏ lại phía sau” của Gojek đã rất kịp thời giúp chị trang bị các kỹ thuật nấu ăn cũng như những điều cần thiết khi kinh doanh online. “Học thử ai ngờ thành thật. Giờ cuộc sống của gia đình tôi đã khác xưa rất nhiều. Tôi mừng lắm” - chị Phượng nói.
Chị Vi, chị Yến cũng đã lần lượt bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh online trên GoFood với những quán trà sữa cho riêng mình lần lượt với tên gọi Trà sữa - Ăn vặt Soobin, Phạm Thế Hiển; Trà sữa Tibo - Mễ Cốc.
Nói về ý nghĩa của chuỗi đào tạo, ông Phùng Tuấn Đức, Tổng giám đốc Gojek Việt Nam, cho biết: “Việc hỗ trợ các đối tác trong hệ sinh thái Gojek, đặc biệt là các đối tác tài xế và các cửa hàng vừa, nhỏ, và siêu nhỏ luôn là một trong những trọng tâm hoạt động của Gojek. Bằng việc giúp đỡ các cá nhân khởi nghiệp và tham gia vào nền kinh tế số, chúng tôi hướng tới việc trao thêm cho họ cơ hội tăng thu nhập và cải thiện sinh kế, từ đó chúng tôi có thể đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam”.
Link đăng ký GoFood online tại https://form.jotform.com/203253922990457?fbclid=IwAR2TI5CVheaSMaGDnwcL5iqrSWiFP_JJ12FRAUVB6mPtgULYpw3IEinfDAM .
Phương Dung